00:00 Số lượt truy cập: 2681887

Thái Nguyên: Mô hình chăn nuôi mới ở T.X Sông Công 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là mô hinh nuôi các rô đồng của gia đình chị Vũ Thị Thuý, và anh Dương Thuận Thái ở xóm Cầu Gáo, xã Tân Quang, T.X Sông Công (Thái Nguyên).


Đưa chúng tôi đến nhà chị Thuý, anh Nguyễn Huy Thanh, Trạm phó Trạm Khuyến nông thị xã cho biết: Đây là năm thứ hai Trạm phối hợp với Trung tâm Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai mô hình nuôi cá rô đồng. Năm 2008 mô hình được nuôi thí điểm tại gia đình ông Lưu Trọng Đĩnh ở tổ dân phố Xuân Gán, phường Cải Đan với quy mô 7.500 con cá giống trên diện tích 500 m2. Tuy nhiên do ao của gia đình ông Vĩnh không xây bờ nên khi mưa nước đầy ao cá thoát ra mất hơn một nửa. Do đó, sau 6 tháng nuôi cá ông chỉ thu lãi được 2 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm này, năm 2009 Trạm Khuyến nông thị xã tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá rô đồng tại hai hộ là chị Vũ Thị Thuý và anh Dương Thuận Thái, ở xóm Cầu Gáo, xã Tân Quang với tổng diện tích mặt nước là 1,5 ha. Đến nay, tại các mô hình này, cá rô đồng phát triển rất tốt và bắt đầu cho thu hoạch với trọng lượng trung bình đạt 0,085 kg/con.

Trong câu chuyện với chúng tôi chị Thuý cho biết: Khi mới thả vì cá còn nhỏ nên 15 ngày đầu cho ăn một bữa một ngày theo liều lượng 2kg cám công nghiệp/11 nghìn con, 15 ngày sau tăng lên 3 kg/11 nghìn con/ngày. Tháng thứ 2, thứ 3 ngoài cho ăn 3kg cám công nghiệp/ngày tôi chăn bổ sung thêm cám gạo, nước phân lợn. Từ tháng thứ 4 trở đi không cần cho ăn cám công nghiệp, thay vào đó là cám gạo và nước phân lợn. Nuôi cá rô đồng rất phù hợp với những hộ có mô hình ao chuồng vì sẽ tận dụng được lượng phân thải từ chăn nuôi làm thức ăn cho cá và không gây ô nhiễm môi trường. Nuôi cá rô đồng rất nhàn, lại ít rủi ro. Trước đây tôi đã từng nuôi các loại cá khác như: cá trôi, trắm, chép, cá chim… nhưng tỷ lệ cá bị chết cao vì nước ao có quá nhiều chất màu do phân lợn chảy xuống.Sang năm tới tôi sẽ tiếp tục đăng ký để phát triển mô hình nuôi cá rô đồng.

Nuôi cá rô đồng hàng hoá là mô hình chăn nuôi còn khá mới mẻ. Thời gian nuôi một lứa cá ngắn, chỉ khoảng 6 tháng là cho thu hoạch, mức giá bánhiện nay trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Kỹ thuật chăm sóc cũng rất đơn giản, tỷ lệ cá chết ít (2%), thu hồi vốn nhanh. Do đó, để giúp bà con tiếp cận được mô hình này, Nhà nước đã có những chính sách như: Hỗ trợ 40% con giống, 20% cám chăn, 40% thuốc phòng bệnh cho cá. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được tập huấn về kỹ thuật nuôi cá; được cán bộ của Trung tâm Thuỷ sản Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc cá.

Tuy nhiên, các hộ tham gia mô hình phải tuân thủ đầy đủ các quy trình chăn nuôi theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Thuỷ sản như: ao phải có bờ xây chắc chắn, mật độ thả cá 15 con/m2; lượng thức ăn hàng ngày từ 2 đến 8% khối lượng cá có trong ao; thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng như cá nổi đầu, nước ao cạn; thay nước định kỳ 2 lần vào 3 tháng cuối của chu kỳ nuôi; dùng vôi bột khử trùng nước ao 2 lần/tháng với lượng 2 kg/100 m3 nước để phòng bệnh cho cá…

Về định hướng trong thời gian tới, anh Nguyễn Huy Thanh, Trạm phó Trạm Khuyến nông thị xã cho biết: Từ kết quả thu được qua 2 mô hình nuôi cá rô đồng ở Tân Quang, Trạm Khuyến nông thị xã sẽ phổ biến, tuyên truyền về mô hình này để nhân rộng trên địa bàn thị xã. Dự kiến năm 2010, Trạm sẽ phối hợp với Trung tâm Thuỷ sản Thái Nguyên phát triển mô hình nuôi cá rô đồng lên 5 ha ao tại các hộ dân trên địa bàn thị xã...