Vào một buổi sáng đẹp trời, khi ánh nắng vàng đã chiếu khắp vùng đồi, chúng tôi vào thăm trang trại của anh Nguyễn Ngọc Đô và chị Cấn Thị Thìn ở chi hội 3, xã Phú Hộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bà con làng đồi thường gọi họ cái tên thân mật: Trang trại Đô Thìn.
Vào đầu năm 1993 điều kiện kinh tế của anh chị hết sức khó khăn. Sau khi bàn bạc, được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè anh chị đầu tư vào kinh tế trang trại tổng hợp trồng trọt và chăn nuôi. Với số tiền gần 50 triệu đồng từ bán nhà mặt đường dọc quốc lộ 2, anh chị quyết định vào xóm đồi dựng lán, lập trang trại tổng hợp: chuồng, ao, rừng. Sau một thời gian đổ công sức anh chị đã xây dựng hai khu chuồng trại chăn nuôi, mua giống gây lợn nái, giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp với phương châm lấy ngắn nuôi dài, kết hợp với trồng cây ngắn ngày như đỗ, lạc, sắn, vỡ hoang khu rộc cấy lúa để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình và nuôi con ăn học. Trong 3 năm đầu, tất cả số vốn và lãi thu được từ chăn nuôi lợn, anh chị đầu tư tái sản xuất, mở rộng quy mô trang trại, tăng số đầu lợn nái để cung cấp con giống chăn nuôi tại chỗ; học tập kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng sản xuất lượng lợn thịt xuất ra thị trường, thu hồi vốn nhanh, quay vòng hiệu quả. Thấy người dân vùng đồi Phú Hộ thiếu giống cây lâm nghiệp phải đi mua ở các địa phương khác về trồng, đồng thời do thiếu vốn nên diện tích đồi bị bỏ hoang nhiều, vợ chồng anh chị đã làm đơn vay 5 triệu đồng ở ngân hàng để làm vườn ươm cây. Những năm 1994 - 1997 việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn, nhiều lần ngân hàng đến thẩm định đơn vay nhưng đều không được duyệt vì tài sản của gia đình không đủ giá trị thế chấp, tuy nhiên ước mơ xây dựng thành công mô hình trang trại, trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc càng thôi thúc anh chị. Được sự giúp đỡ của chính quyền, các đoàn thể trong xã như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ đặc biệt là Hội Nông dân quan tâm tác động với ngân hàng và ngân hàng đã tin tưởng cho anh vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Được tiếp thêm về nguồn lực tinh thần và kinh tế, anh chị đã kiên trì,chịu khó, đổi mới trong cách nghĩ, cách làmđể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn vay được sử dụng đúng mục đích, quản lý thu hồi gốc và có lãi cao. Trang trại của anh chị làm ăn ngày một phát triển, mặt bằng được mở rộng, vườn ươm giống cây lâm nghiệp cung cấp đủ cho vườn nhà và các hộ khác trong vùng.
Trước kết quả bước đầu và nhìn thấy triển vọng phát triển lâu dài, địa phương đã giao thêm đất đồi rừng cho gia đình anh để cải tạo đồi trọc trồng cây lâm nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Chính quyền địa phương tiếp tục làm việc với ngân hàng cho gia đình anh chị vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hội khuyến nông tạo điều kiện cho anh chị được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nắm bắt thông tin thị trường ... Với quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ tích cực học tập, chịu khó lao động sáng tạo nên mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đã thu được kết quả tốt bình quân thu nhập trong những năm gần đây và hiện nay đạt 2 tỷ đồng/năm.
Đối với việc chăn nuôi lợn, trang trại đã đầu tư 1,3 tỷ đồng để xây dựng 6 khu chuồng trại, thường xuyên có 120 đầu lợn nái, cung cấp con giống tại chỗ cho việc nuôi lợn thịt. Mỗi năm trên 2.000 đầu lợn thịt (gần 200 tấn thịt lợn hơi) được xuất bán ra thị trường thu về trên 1,6 tỷ đồng. Tận dụng nguồn phân chất thải để nuôi cá, làm hầm bioga và cải tạo đất. Trên các đồi cây ăn quả đều có hào nhỏ chạy theo đường đồng, dẫn nước tưới tiêu và phân bón làm cho cây lúc nào cũng xanh tốt và cho sản lượng quả cao. Quanh trang trại anh đắp một con đập với 1, 3 ha mặt nước để phòng chống cháy rừng và cung cấp nước tưới cho 25 ha diện tích trồng lúa của xã Phú Hộ. Trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường 10 tấn cá thịt, sau khi trừ chi phí còn thu lãi về 150 triệu đồng. Trang trại có 20 ha trồng cây lâm nghiệp loại keo và bạch đàn mô, chỉ tính riêng số lượng cây tỉa thưa đã cung cấp ra thị trường làm cây chống dựng, làm nguyên liệu giấy, làm củi ... thu nhập bình quân 130 - 160 triệu đồng/năm.
Quy hoạch đồi chè của trang trại là 1,5 ha cho thu hoạch hàng năm 25 tấn búp tươi, trừ chi phí thu về 85 triệu đồng. Tận dụng diện tích dọc theo đập nước và rộc bãi giữa các đồi cây, anh chị trồng được trên 400 khóm tre Bát Độ, mỗi năm thu hoạch gần 4 tấn măng thu về 9,5 triệu đồng. Với diện tích 5 ha trồng cây ăn quả (vải, nhãn, hồng) cho thu hoạch bình quân 50 triệu đồng mỗi năm.
Từ những kết quả trên, gia đình anh chị đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt gia đình, đầu tư cho sản xuất kinh doanh, mở rộng chuồng trại, mua máy hái chè, mua ô tô để phục vụ cho việc giao dịch, mua xe máy và vi tính sách tay cho các con học tập, công tác. Đến nay trang trại đã giúp đỡ, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức lương bình quân 2 triệu đồng/tháng, giúp đỡ được 12 gia đình thoát nghèo.
Với thành tích trên, gia đình anh chị đã được tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng bằng khen. Đặc biệt năm 2001 gia đình anh chị được đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm trang trại và tặng quà. Năm 2002 được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp mặt và tặng qùa tại Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ II.