Năm 2006, ông bắt đầu thí nghiệm tại vườn nhà và ghép thành công 40 cây cà phê đầu dòng TR10. Sau 1 năm giống cây ghép cho sản phẩm vượt trội với giống cây cũ, ông tiếp tục cải tạo 2 ha cà phê của gia đình. Đến nay, 2 ha cà phê của gia đình ông cho năng suất đạt 12 tấn/năm, tăng gấp 3-4 lần giống cà phê cũ. Ông là Lê Thế Trình, ở thôn Nghĩa An, xã Ya Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Từ năm 2000, gia đình ông xác định phát triển kinh tế bằng cách trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su tiểu điền, cà phê. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của Hội Nông dân các cấp tổ chức, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống mới vào trồng cho gia đình từng năm một. Từ 2 ha cà phê ban đầu giống Robusta có năng suất thấp chỉ 3 tấn nhân/năm, khi nghe thông tin về giống cà phê ghép giống TR7 và TR10 có năng suất cao, ông sang Đăk Lăk tham quan và học hỏi cách làm. Sau đó ông mua giống về nhà làm thử, do chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây bị chết hết. Không nản lòng, ông quyết tâm thực hiện cho được việc ghép giống cà phê. Ông vào viện EAKMÁT (Viện nghiên cứu cà phê) mua sách và học hỏi thêm ở các nhà khoa học khác. Đến năm 2006, ông thí nghiệm tại vườn nhà và ghép thành công 40 cây cà phê đầu dòng TR10. Sau 1 năm giống cây ghép cho sản phẩm vượt trội với giống cây cũ, ông tiếp tục cải tạo 2 ha cà phê của gia đình. Từ đó, ông đã có nhiều sáng kiến mới, thiết thực hơn so với các phương pháp của các nhà khoa học.
Sau khi ghép vườn cà phê nhà mình thành công, cà phê cho năng suất và chất lượng cao, ông vận động bà con nông dân trong địa bàn đến tham quan và học tập chuyển đổi giống. Trong năm 2010, ông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum mở 01 lớp tập huấn ghép cà phê cho 80 người trong thời gian 2 ngày tại vườn của gia đình. Sau lớp tập huấn, ai có nhu cầu ghép đổi giống cà phê đến nhà ông cho giống và hướng dẫn kỹ thuật ghép. Đến nay trong xã Ya Chim đã có hàng chục gia đình đã học và ghép chuyển đổi giống cà phê cũ sang giống TR10 có năng suất cao như nhà anh Khánh, anh Bùi, anh Vinh, anh Mai…Năm 2011, Trung tâm dạy nghề của huyện Đăk Hà đã phối hợp với gia đình ông mở 2 lớp dạy nghề tại vườn cà phê của gia đình cho 30 học viên. Từ đó đã lan rộng sang các huyện khác như huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy… Cũng trong năm 2011, đã có 3 đoàn hội viên nông dân của 3 huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Đăk Tô đến trao đổi, học tập kinh nghiệm. Ông cũng nhận hợp đồng ghép cải tạo các vườn cà phê kém hiệu quả cho những hộ gia đình có nhu cầu.
Việc ghép cải tạo giống cà phê thành công đã mang lại hiệu quả kinh tế rẽo rệt cho gia đình ông và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Ngoài ra ông còn trồng 8 ha cao su trong đó có 2 ha đã cho sản phẩm 5 năm, 01 ha cho sản phẩm 1 năm, năm 2012 này ông sẽ đưa vào khai thác thêm 2 ha. Tổng doanh thu của gia đình ông năm 2011 đạt 800 triệu đồng, trong đó từ cà phê đạt 400 triệu đồng, cao su 350 triệu đồng, làm dịch vụ 50 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông còn thu lãi 540 triệu đồng, bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/tháng.
Lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, ông đầu tư cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài ra, ông còn thực hiện tốt công tác xã hội từ thiện như xây dựng nhà rông văn hóa thôn 1,5 triệu đồng; cho các hộ gia đình anh, em, bạn bè mượn vốn để sản xuất và kinh doanh, hộ nào khó khăn thì không lấy lãi gần 100 triệu đồng. Ông và gia đình luôn nêu cao ý thức tổ chức xây dựng tổ chức Hội và vận động hội viên nông dân đóng góp xây dựng quỹ hội, tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa và danh hiệu SXKD giỏi các cấp./.