![]() |
Ông Liên và vườn thanh long ruột đỏ |
Trong ngôi nhà xây của gia đình thuộc xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ (Phú Lương), ông Liên chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời lắm gian truân của mình. Năm 1973, khi 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, sau giải phóng trở về địa phương, thấy sức khỏe ngày càng sa sút, tôi đi khám mới biết mình bị nhiễm chất độc hóa học. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai thì năm 1981, tôi bị tai nạn mất hẳn cánh tay phải. Việc đi lại, làm việc càng thêm vất vả. Tuy vậy, không chấp nhận cuộc sống nghèo túng, tôi vẫn quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế, trong lòng luôn nhủ thầm, cứ gắn bó với mảnh đất này, đất sẽ không phụ công người. Có một điểm thuận lợi là gia đình tôi có tới 5ha đất, trong đó 4ha là đất rừng, còn lại là vườn đồi. Trên diện tích đất rừng, tôi trồng bạch đàn, đối với khu đất vườn đồi, tôi trồng 5 sào mía, còn lại là các loại rau và cây ăn quả. Để phủ kín mầu xanh cho ngần ấy đất, vợ chồng tôi không nhớ nổi phải mất bao nhiêu tháng, cứ ngày ngày vác cuốc lên đồi, người cuốc hố, người trồng cây.
Nhưng không phải như thế là cuộc sống gia đình ông Liên đã ổn định. Mong từng ngày đến lúc thu hoạch thì bạch đàn lại không hiệu quả, giá mía cũng thấp nên cuộc sống vẫn tiếp tục khó khăn. Ông lại xoay sở chuyển diện tích rừng trồng bạch đàn sang trồng keo; mía sang trồng vải, trồng mơ. Mỗi lần chuyển đổi cây trồng, ông bà lại vất vả, dãi dầu nắng mưa cả tháng trời, nhưng ông không ngại điều đó. Thời gian trong quân ngũ đã rèn cho ông tính kiên trì, bền bỉ, cần cù lao động, không sợ khó, sợ khổ. Ngoài trồng trọt, vợ chồng ông còn nuôi thêm ong lấy mật. Lúc cao điểm, gia đình ông có tới 50 thùng ong, mỗi năm thu gần 30 lít mật. Cuộc sống gia đình ông dần ổn định từ đó. Nhưng chưa bằng lòng với kết quả này, ông Liên vẫn thường xuyên tìm kiếm những mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả cao để làm theo. Tình cờ, trong một lần đến thăm nhà bạn, ông được tặng vài mầm giống cây thanh long ruột đỏ, ông đem về trồng sau nhà. Lúc đó, ở Thái Nguyên rất hiếm người trồng loại cây này. Sau gần 2 năm, cây kết trái đỏ thắm cả một góc vườn. Thấy có thể gắn bó với cây trồng mới này, năm 2006, ông tìm đến các mô hình thanh long ở ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và về trồng thêm 30 gốc nữa. Đến năm 2008, vườn thanh long nhà ông đã cho trái ngọt, vụ đó ông thu được trên 500kg, bán được hơn 7 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2009, ông tiếp tục trồng thêm 30 gốc giống thanh long ruột đỏ nữa.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long, ông Liên giới thiệu: Đây là giống thanh long mới, loại quả này đang được ưa chuộng trên thị trường nên rất dễ bán. Chỗ thanh long này đang bói quả, mùa này năm sau sẽ được bán. Ngắm nhìn những cành thanh long tủa ra, ở các mắt cây, những trái thanh long treo lơ lửng như những bông quỳnh đỏ thắm giữa vùng đồi núi xanh ngăn ngắt. Đưa mắt xa hơn là khu rừng keo đã 5 tuổi, thân keo to bằng phích nước thẳng tắp vươn cao, chúng tôi thầm nghĩ đến những mùa ngọt sẽ đến với gia đình ông Liên.