00:00 Số lượt truy cập: 3227927

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp chưa 

Được đăng : 03/11/2016

Đồng Tháp là một trong những địa phương được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên cây lúa. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2013 triển khai thí điểm ở các huyện Tân Hồng, Tháp Mười, Châu Thành ở cả 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Mặc dù phần lớn diện tích lúa thực hiện thí điểm đã được gieo sạ, nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào thực hiện ký hợp đồng bảo hiểm.


Dù đã được triển khai nhưng diện tích lúa ở Đồng Tháp vẫn chưa được bảo hiểm.

Hiện, việc triển khai thí điểm BHNN tại Đồng Tháp đã và đang được xúc tiến thực hiện, tỉnh đã xây dựng các văn bản về thành lập Ban chỉ đạo; ban hành kế hoạch thực hiện BHNN giai đoạn 2011- 2013 và quy trình canh tác lúa tham gia thí điểm bảo hiểm trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị tuyên truyền đến người dân…

Theo ghi nhận, hầu hết những nông dân thuộc diện nghèo đều phấn khởi vì được quan tâm, hỗ trợ, song nhiều hộ, cá nhân vẫn không "mặn mà" với loại hình bảo hiểm mới này. Nguyên nhân của tình trạng này, theo lý giải của bà con là họ bỏ chi phí để tham gia bảo hiểm thì khi phần diện tích lúa của họ bị thiệt hại, công ty bảo hiểm phải bồi thường cho chính họ chứ không thể chỉ bồi thường khi diện tích của toàn xã bị thiệt hại. Vì thế mà đến nay, các hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo chưa đăng ký bảo hiểm cho cây lúa.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Việc triển khai thực hiện thí điểm BHNN trên cây lúa mới triển khai ở huyện Tháp Mười với diện tích 401ha/482 hộ, tuy nhiên, đó chỉ là những hộ thuộc diện nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí, các hộ khu vực khác tỏ ra rất thờ ơ. Bên cạnh những khó khăn trong công tác vận động người dân thì các văn bản hướng dẫn, quy định của cấp trên cũng còn hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ phí bảo hiểm 2,77% (trên giá thành một kilôgam lúa bán ra) chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính để làm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, giá lúa để tính phí bảo hiểm cũng chưa được ban hành, chỉ mới dự kiến khoảng 6.800 đồng/kg".

Đến nay, Bộ Tài chính cũng chưa phê chuẩn quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm để làm căn cứ tính phí và làm cơ sở để tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia bảo hiểm. "Ngoài ra, trong quy định về các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm trên cây lúa của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì chỉ có bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu được bảo hiểm. Trong khi đó, diện tích lúa của tỉnh Đồng Tháp hầu như không có bệnh lùn sọc đen, nhưng bệnh đạo ôn thì thường xuyên xảy ra và gây nguy hại rất lớn. Vì vậy, Sở kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung danh mục các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh đạo ôn", ông Quốc nói.

Bên cạnh đó, ông Quốc cho rằng, theo quy định tại các khoản 1, 2, Điều 3, Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT, của Bộ Nông nghiệp và PTNT nếu năng suất lúa thu hoạch của vùng thấp hơn 75% năng suất bình quân vụ sản xuất trong 3 năm gần nhất thì được bảo hiểm là con số rất thấp và thực tế không có lợi cho người nông dân tham gia BHNN, vì vậy Bộ cần tính lại quy mô sụt giảm năng suất để tính hỗ trợ cho nông dân và nên quy định ở quy mô nhỏ thì chương trình thí điểm BHNN mới hấp dẫn và thực sự có ý nghĩa.