00:00 Số lượt truy cập: 3230668

Thiếu đủ thứ 

Được đăng : 03/11/2016

Rời Hải Hậu, tôi sang Nam Hùng (Nam Trực). Đặt lịch, hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng gặp được anh Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch kiêm trưởng Ban Nông nghiệp xã. Anh bộc bạch: “Xã có 7.800 dân, chỉ có một Phó Chủ tịch nên rất vất vả.


Trước chỉ có mảng văn hoá xã hội, nội chính nay thêm mảng nông nghiệp nữa nên tôi đi suốt. Nào là tiêm phòng cho người, tiêm phòng cho gia súc, chỉ đạo kẻ vẽ pano áp phích đến khai giảng, bế giảng, xử lý trộm cắp, đánh nhau…việc gì cũng cần có mặt cả”.

Ban Nông nghiệp xã Nam Hùng hiện có 6 người, ngoài anh Nam còn có ông Chủ nhiệm HTX là Phó ban và 4 nhân viên kỹ thuật.

Công việc một tháng 2 lần Ban họp giao ban để phản ánh tình hình đại loại như kế hoạch, điều hành sản xuất, mùa vụ... Khi có công văn đốc thúc từ trên xuống cũng phải họp chỉ đạo từng thời điểm này phải làm việc gì, thời điểm kia làm việc nọ. Ngoài họp hành, cán bộ của Ban phải đi nắm bắt tình hình cơ sở, kiểm tra đồng ruộng, dịch bệnh ra sao: “Trước ông Chủ nhiệm HTX chỉ báo cáo với chính quyền theo tháng, theo quý nay các buổi giao ban thường trực đảng, UBND, HĐND mình đều thông báo cho các đồng chí khác biết tình hình nông nghiệp xã nhà. Các hội nghị quân dân chính, trưởng ban các đoàn thể cũng được phổ biến thông tin nông nghiệp luôn…”.

Cũng như các Ban Nông nghiệp xã ở Nam Định, ở Nam Hùng Ban cũng chưa có địa điểm làm việc, chưa có bất kỳ cơ sở vật chất, máy móc, bàn làm việc nào mà vẫn ai trước ở đâu nay ở đấy. Phó Chủ tịch ở phòng Phó chủ tịch, Chủ nhiệm ở trụ sở HTX, các nhân viên khác tiện đâu ở đấy. “Chẳng có một thứ gì, từ bàn ghế đến gói thuốc, bao chè đều của xã hết. Không có kinh phí nên toàn hoạt động trên…tinh thần. Muốn tổ chức một cuộc họp xóm trưởng để chỉ đạo sản xuất, không có kinh phí đành chịu. Mạnh về gạo, bạo về tiền mà không có nói ai nghe?”. Rồi một chuyện cũng bất cập khác nữa tiếng là Ban nhưng không hề có con dấu như các hội, ban đoàn thể khác. “Ví dụ có thông báo gì cũng không biết đóng dấu thế nào. Trưởng ban thì cốp dấu Phó Chủ tịch còn nhỡ Trưởng ban đi vắng, Phó ban ở nhà cũng không ký được vì chẳng có dấu”- Anh Nam thắc mắc.

Tôi theo ông Phạm Thanh Đãng-Phó ban đồng thời là Chủ nhiệm HTX sang trụ sở cũ. Dãy nhà lớn vắng tanh mà theo như giải thích của ông Đãng do dạo này HTX gần như chẳng có hoạt động gì nên cán bộ cũng ít khi đến. Cả tài sản của đơn vị giờ đây chỉ quý nhất ở mỗi cái hội trường rộng 300 chỗ, bàn ghế mua lại của một rạp hát cách đây đã mấy chục năm, hoen rỉ hết cả. Nói chuyện thu nhập, điếu thuốc trên tay ông Phó ban cứ đỏ lự, phả khói mịt mùng. Ông đăm chiêu: “HTX giờ chỉ còn hoạt động hình thức, không có kế hoạch thu chi nên anh em chán.

Những người chuyển sang Ban Nông nghiệp xã cũng gặp khó khăn vì phụ cấp quá ít ỏi. Như tôi chẳng hạn, hiện nay chưa có kinh phí, toàn “xúc thóc” nhà đi để lấy xăng xe mà làm công không, trong khi đó ngày công phu hồ đã dăm sáu chục rồi. Phụ cấp thấp, anh em trong Ban, nhất là cánh trẻ rất mong sẽ được đóng bảo hiểm để được yên tâm cống hiến. Mình già rồi, đã 64 tuổi, làm được ngày nào vui ngày ấy chứ thương cánh ấy lắm…”.

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nam Định, Mai Văn Dư: Mới hoạt động nên chưa đánh giá được hiệu quả

Ông Dư cho biết: Theo Luật, UBND xã là đơn vị quản lý Nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn xã nhưng ở Nam Định do hệ thống HTX phát triển nên giao cho HTX tất từ xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra…còn UBND xã chỉ mang tính định hướng. Vấn đề đặt ra là HTX đáng lẽ chỉ làm dịch vụ thì yếu tố này chưa được quân tâm mà chủ yếu lại lo chỉ đạo sản xuất.

Do vậy Nam Định thí điểm lập Ban nông nghiệp xã là tổ chức để giúp cho UBND xã tham mưu về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Có Ban nông nghiệp xã, UBND xã chịu trách nhiệm quản lý nông nghiệp và PTNT ở xã, các cơ quan trên làm việc về vấn đề này sẽ làm với Ban chứ không phải HTX như trước, nếu có HTX cũng chỉ là phối hợp. Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban sẽ có các “chân rết” là các cán bộ kỹ thuật. Hiện ở Nam Định mỗi huyện, thành phố chọn ra 2 xã làm điểm, riêng huyện Vụ Bản chọn 3 xã. Về phụ cấp cho cán bộ ban, hiện Phó ban và nhân viên BVTV chưa có quy định phụ cấp còn những người khác xấp xỉ 300.000đ, chúng tôi đang đề nghị nâng lên bằng một suất lương tối thiểu.

Ông có thể cho biết những khó khăn của Ban nông nghiệp xã?

Tích cực của Ban là tính phân cấp quản lý rõ ràng. Còn khó khăn là trước UBND xã chỉ phụ trách chung giờ những việc cụ thể như dịch sâu bệnh, cơ cấu sản xuất, xây dựng kế hoạch…cũng có lúng túng. Trình độ của nhân viên kỹ thuật trong Ban Nông nghiệp xã theo quy định của tỉnh là trung cấp trở lên nhưng thực tế hiện nay đại học chiếm 6,5%, trung cấp 62,6%, sơ cấp 5,6%, chưa được đào tạo 25,2%. Giai đoạn đầu cứ chấp nhận thế đã rồi sau sẽ đưa họ đi đào tạo tiếp. Năng lực chỉ đạo, điều hành của những nhân viên này còn hạn chế. Khó khăn nữa là chưa có hướng dẫn về tài chính cho ban, phải “ké” ở trong chi tiêu ngân sách xã nên cần có hướng dẫn định mức chi tiêu…

Ông có tin khi lập Ban Nông nghiệp xã việc chỉ đạo, điều hành sản xuất sẽ tốt hơn trước kia?

Khi lập Ban Nông nghiệp xã, hiệu lực về điều hành nông nghiệp, PTNT tôi tin sẽ tốt hơn HTX trước kia vì UBND xã là cơ quan hành chính Nhà nước, có đầy đủ các thẩm quyền và công cụ hỗ trợ còn HTX chỉ là tổ chức tự nguyện, thực hiện theo đa số.

 Xin cảm ơn ông!