00:00 Số lượt truy cập: 2676557

Thoát nghèo nhờ... nhím 

Được đăng : 03/11/2016
Từ một gia đình nghèo khó, bằng việc tìm tòi, áp dụng mô hình mới, gia đình anh Phạm Văn Lễ ở thôn Kei Joi, xã Đắk Xú (Ngọc Hồi - Kon Tum) đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.

Anh Lễ kiểm tra sức khoẻ của nhím.

Nói về quá trình lập nghiệp, anh Lễ cho biết, năm 2000, gia đình anh từ Nam Đàn (Nghệ An) vào Gia Lai lập nghiệp. Tại huyện Ia Grai, anh tập trung toàn bộ số tiền dành dụm được mua 2ha đất rẫy trồng càphê. Thế nhưng, sau gần 6 năm trồng, mặc dù đầu tư công sức, tiền của nhưng thu không đủ bù chi. Lần thứ hai, anh quyết định chia tay vùng đất đỏ bazan Ia Grai.

Năm 2006, cầm 80 triệu đồng có được từ việc bán cơ ngơi ở Gia Lai, anh và vợ con chuyển đến vùng kinh tế mới xã Đắk Xú. Tại đây, anh bàn với vợ đầu tư nuôi nhím. Bước đầu, anh chỉ mua 2 cặp nhím với giá 15 triệu đồng về nuôi thử. Sau gần nửa năm, nhận thấy nhím là loại dễ nuôi, cho lợi nhuận cao, anh đăng ký với Chi cục Kiểm lâm Kon Tum nuôi loài động vật hoang dã này.

Để phát triển đàn nhím, anh khăn gói ra các tỉnh phía Bắc tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Từ chỗ chỉ nuôi 2 cặp nhím thí điểm, đến nay gia đình anh đã có một trại nhím hoành tráng nhất vùng với 50 con nhím mẹ. Nói về nhím, anh Lễ tiết lộ: “Nhím là loại ăn tạp, thức ăn rất đa dạng và dễ kiếm. Về bệnh tật, trước mắt chưa thấy nhím mắc bệnh tật gì khó chữa”.

Hai năm trở lại đây, khách hàng từ nhiều nơi tìm đến trang trại của anh mua nhím. Mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường 15 - 20 cặp nhím giống. Theo giá hiện tại, mỗi cặp có giá 8,5 triệu đồng, như vậy mỗi năm gia đình anh thu nhập 130 - 170 triệu đồng. Anh Lễ cũng rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím cho bà con địa phương. Đã có hàng chục gia đình ở Đắk Xú học và làm theo anh, trong đó có 5 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

Với việc tìm tòi, học hỏi mô hình mới để vươn lên thoát nghèo anh Lễ tấm gương sáng về sản xuất ở địa phương.