Cũng như bao gia đình khác ở xóm Tân Thành, bao năm qua, vườn nhà của ông Trần Duy Hưng thường chỉ để trồng chuối, trồng khoai, sắn nên hiệu quả kinh tế không cao, chỉ đủ ăn. Từ khi thương lái từ Hà Nội tìm về các vùng sâu, vùng xa của đất Hòa Bình để mua rau ngót bán cho thị trường Hà Nội, gia đình ông đã chuyển sang trồng rau ngót. Ông Hưng cho biết: “Rau ngót trồng không khó, chỉ cắt cành giâm xuống đất là được, lại tốn ít công lao động”.
Rau ngót cho thu hoạch nhanh, cứ khoảng 2 -2,5 tháng là cho thu hoạch một lứa. Trong một năm thì cứ vào tháng thứ 4, thứ 5 là vào mùa thu hoạch chính. Giá bán trung bình rau ngót ở đây 7 nghìn đồng/kg, có lúc khan hiếm giá rau còn đẩy lên tới hơn chục nghìn đồng/kg. Trồng một sào mỗi năm thu nhập cũng khoảng được 10 triệu đồng. Thu nhập như vậy là cao hơn so với cấy lúa gấp nhiều lần. Sau cắt hơn 1 tháng lại cho thu hoạch một lần. Lợi thế của trồng rau ngót là ít khi bị sâu bệnh, không phải phun thuốc trừ sâu lên rau ngót là loại rau xanh rất an toàn cho các bà nội trợ. Rau ngót trồng một lần có thể thu hoạch từ 3-4 năm mới phải trồng lại. Nhưng nét đặc biệt của cây rau ngót là khi cây đã già cỗi phá bỏ phải chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày khác, nếu trồng gối vụ cây sẽ kém phát triển năng suất thấp. Khoảng 2 năm từ khi phá bỏ mới tiến hành trồng lại rau ngót.
Theo kinh nghiệm trồng được 5 năm nay ông Hưng chia sẻ: Để rau ngót phát triển nhanh, lá dày và to, sau mỗi vụ thu hoạch nên dùng phân DAP, phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây. Theo tính toán của ông có năm giá rau đắt, trừ chi phí ông thu lãi gần 80 triệu đồng. Không chỉ có ông Hưng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà còn rất nhiều hộ gia đình khác đã nhờ cây rau ngót xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu như hộ Hoàng Thị Lựu, Bùi Văn Đoàn…
Có thể nói cây rau ngót không chỉ phục vụ những bữa rau xanh trong mâm cơm hàng ngày của bà con mà còn là cây làm giàu ở xóm Tân Thành và các xóm khác trong xã.