00:00 Số lượt truy cập: 3228968

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ phát triển nghề rừng và nuôi nhím 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Vũ Hồng Thanh ở thôn Bến Đền, xã Bạch Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), mới 27 tuổi bằng ý chí vươn lên làm giàu anh Thanh đã có trong tay hàng trăm triệu đồng từ phát triển nghề rừng, chăn nuôi nhím.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, học xong phổ thông trung học anh đành gác lại ước mơ đại học để lao động tìm hướng thoát nghèo.
Năm 2002, Thanh đầu tư trồng hơn 1.000 gốc cam trên 4 ha đồi của gia đình. Cam là loại cây rất “khó tính”, anh lại không biết cách chăm sóc nên nhiều vụ, vườn cam của anh bị mất trắng. Buồn nhưng không chán nản, anh tìm đến những hộ có nhiều kinh nghiệm để học tập. Thế rồi cây cam cũng cho gia đình anh thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài cây cam, Thanh trồng thêm hơn 200 gốc luồng và mấy trăm gốc vải. Nhưng số anh thật đen đủi, rừng luồng đang phát triển không may bị cháy trụi; những cây vải thì cứ trơ ra, chẳng có lấy một quả. Thanh buồn nhưng khát khao làm giàu luôn thôi thúc. Quên đi những việc đã qua, Thanh chuyển hướng đi học lái xe ô tô và vào tận Sài Gòn lập nghiệp. Anh được một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận vào làm. Thanh như con o­ng thợ cần mẫn xây tổ, làm từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi phố phường đã vắng bóng người mà thu nhập cũng không được là bao, chỉ đủ nuôi thân, vài đận ốm liệt gường những đồng tiền công không đủ để anh mua thuốc. Quả các cụ nói chẳng sai “Sẩy nhà ra thất nghiệp”, Thanh mới thật sự thấm thía những khó khăn của cảnh làm ăn nơi đất khách quê người. Thanh nhớ đồng ruộng, núi đồi quê hương nơi mà ước mơ của anh còn dang dở làm giàu từ cây cam, cây luồng, đồi nhãn. Vậy là chỉ sau một năm lặn lộn với hoài bão lập nghiệp nơi phồn hoa đô hội, anh trở về nối lại ước mơ xưa làm giàu từ đồng đất quê cha đất tổ.

Năm 2008, anh trở về quê hương không còn “một xu dính túi”. Đồi cam năm nào không có người chăm sóc đã cằn cỗi mất rồi. Anh tự trách mình là người không quyết chí nên làm việc gì cũng chả thành, làm phiền lòng cha mẹ. Nhưng lần này thì không, một chút tự ái tuổi trẻ đã thổi bùng lên lòng quyết tâm làm giàu, không khuất phục số phận của anh khiến bao người phải nể phục.

Anh đi khảo sát ở nhiều nơi, vùng nào ở đất Tuyên mình cũng thấy bạt ngàn đồi keo, có những ông chủ rừng keo tiền tỷ làm chàng thanh niên này ngưỡng mộ. Vậy là anh hăm hở phát quang cây dại, nhận thêm đất để trồng keo và được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 30 triệu đồng mua  giống cây keo để trồng trên toàn bộ diện tích 18 ha đồi rừng. Anh còn trồng thêm 7 ha cây xoan đào và 4 ha chuối là những loại cây dễ trồng, không kén đất. Đến giờ, rừng keo đã lên xanh vút tầm mắt, chỉ vài năm nữa thôi là anh có bạc tỷ từ kinh tế rừng. Anh chăm bẵm lại đồi cam cho ngày mùa đơm hoa kết quả. 4 ha chuối thực sự đã giúp chàng trai trẻ này có một khoản thu nhập khá lớn.

Nhờ có nguồn thu từ chuối và vay thêm chút vốn của anh em bạn bè với gần 200 triệu đồng, anh đầu tư nuôi 11 cặp nhím, bước đầu đã thành công. Từ đầu năm 2010 đến nay, số lượng nhím ở trang trại của anh cứ tăng dần lên và anh đã bán ra thị trường hàng trăm con cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Anh quả quyết, sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ mở rộng thêm quy mô chuồng trại để nuôi thêm nhím và nuôi lợn rừng để tăng thêm thu nhập. Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết để nuôi nhím thành công, anh nói: Nhím là loài vật rất phàm ăn vì thế cũng dễ mắc bệnh đường ruột nếu thức ăn cho nhím không được vệ sinh tốt. Mỗi lần cho nhím ăn anh phải xem kỹ, kiên quyết loại thức ăn bị ẩm mốc, không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa đông anh còn lắp thêm hệ thống điện để sưởi ấm cho đàn nhím…