00:00 Số lượt truy cập: 3204875

Thuần hoá cúc vàng Đà Lạt trên đất Khánh Hoà 

Được đăng : 03/11/2016
Con đường gồ ghề, xa tít đưa chúng tôi đến trang trại của ông Lê Văn Triều ở Đồng Bò, xã Vạn Bình (Vạn Ninh - Khánh Hòa). Đến sát chân núi, trước mắt chúng tôi là những luống hoa cúc vàng rực đua nhau khoe sắc. Được biết, ông Triều là người đầu tiên ở Vạn Bình đem hoa cúc Đà Lạt về trồng thử nghiệm và đã thành công.

Mặc dù Tết Mậu Tý đã qua từ lâu nhưng khi chúng tôi đến, trang trại của ông vẫn rộn ràng không khí xuân. Nhìn những luống hoa bạt ngàn, dạt dào sức sống, ông Triều bắt đầu câu chuyện: “Năm 1995, tôi lên núi khai hoang, phát đồi trồng chuối, xoài, lúc đó tôi chưa nghĩ đến chuyện trồng hoa”. Nhưng loay hoay chuyển đổi hết cây nọ sang cây kia, vất vả cực nhọc mà gia đình ông thu nhập chẳng là bao, mỗi vụ chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng.

Năm 2004, tình cờ vợ ông được người bạn cho một số hạt hoa cúc 7 màu về ươm trồng nhưng hạt không nảy mầm, khiến ông mất bao công sức làm đất, phân luống. Với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, ông bắt đầu tìm hiểu các loại hoa cúc. Theo giới thiệu của bạn bè, ông cùng vợ vào huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) tìm mua 10.000 cây cúc 4 số (cúc hòe) đem về trồng thử. Thật bất ngờ, sau khi trồng, cúc không những tốt tươi mà còn cho hoa rất đẹp. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của hoa cúc Ninh Hòa rất dài (3 tháng) nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, theo tìm hiểu của ông Triều, hoa cúc Đà Lạt (cúc 4 số) có chu kỳ sinh trưởng ngắn (1 tháng 20 ngày), hoa tươi lâu. Vì thế, sau khi thu hoạch hoa cúc Ninh Hòa, ông lặn lội lên Đà Lạt (Lâm Đồng), liên hệ với đại lý bán cây giống, đặt mua 10.000 cây cúc Đà Lạt với giá 100 đồng/cây. “Thế chân” cúc Ninh Hòa, cúc Đà Lạt đã thể hiện sự thích nghi với vùng núi đá như để “chiều lòng” người nông dân cần cù, có ý chí làm giàu. Mặc dù sống trong điều kiện khí hậu nóng nhưng cây vẫn xanh tốt và cho hoa rất đẹp. “Bí quyết” của ông là tận dụng nguồn nước chảy ra từ khe đá, không nhiễm phèn để tưới cho cây. Theo ông Triều, hoa cúc rất dễ trồng, ít tốn phân bón và công chăm sóc hơn các loại rau màu khác. Thấy việc trồng hoa cúc có hiệu quả, ông bắt đầu khai hoang mở rộng diện tích hoa.

Vì trồng luân phiên nên tháng nào gia đình ông Triều cũng cung cấp cho thị trường 10.000 cây hoa cúc. Hiện, giá bán tại trang trại dao động từ 700 đến 1.200 đồng/cây. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông lãi ròng 5-6 triệu đồng, bình quân thu khoảng 70 triệu đồng/năm. Ông Triều chia sẻ: “Thời gian gần đây, trang trại của tôi có rất nhiều tư thương trong và ngoài tỉnh đến đặt hoa, chỉ tiếc là tôi không có đủ lượng hàng để cung ứng. Tôi nghĩ, nếu bà con trong vùng cùng trồng hoa để đáp ứng những đơn hàng lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Bình cho biết, từ thành công của ông Triều, nhiều hộ dân trong xã cũng bắt đầu tính đến chuyện trồng loại hoa cúc này. Thời gian tới, lãnh đạo xã sẽ khuyến khích, động viên bà con nhân rộng mô hình. Đồng thời, mở các lớp tập huấn giới thiệu về kỹ thuật trồng hoa cúc cho bà con.

Điều mong mỏi nhất của ông Triều hiện nay là có vốn làm mái che cho hoa để hạn chế một số nấm bệnh và tránh được mưa gió, tạo điều kiện phát triển lâu dài. Ông cũng sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân có nhu cầu trồng hoa về kỹ thuật. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới để người dân xã Vạn Bình thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.