00:00 Số lượt truy cập: 3228599

Thương binh Phan Gia Lưu vượt khó, làm kinh tế giỏi 

Được đăng : 03/11/2016

Rời quân ngũ trở về, mang trên mình 5 vết thương, mất 61% sức khỏe, từ hai bàn tay trắng, người thương binh hạng 2/4 Phan Gia Lưu, xã Phương Đông (TP Uông Bí) đã thể hiện nghị lực phi thường, phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi.


 

Qua sự giới thiệu của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Gia Lưu, thương binh nặng trong xã. Nằm cách xa quốc lộ 18A hơn 5km tại khu Dốc Đỏ 2, trang trại rộng lớn với hơn 2ha trồng thanh long ruột đỏ của gia đình thương binh Phan Gia Lưu là cơ ngơi mà ông đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của gây dựng.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình thương binh Phan Gia Lưu

Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của quê hương đất nước, ông Lưu lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường B2 vùng Tây Ninh. Sau khi phục viên trở về địa phương với những vết thương trên mình, cuộc sống của gia đình ông Lưu vô cùng khó khăn, tưởng chừng như gia đình ông không thể vượt qua được. Cùng với ý chí, cần cù, sự chịu khó ông quyết định tìm hướng đi mới cho kinh tế của gia đình bằng việc xây dựng trang trại tổng hợp trồng thanh long ruột đỏ kết hợp chăn nuôi lợn, gà… Trước khi trồng thanh long ruột đỏ, gia đình ông đã từng trồng thử cam ngọt, vải, nho nhưng kết quả đều không thành công. Để có được giống cây tốt, quy trình, cách làm hay ông đã phải đi tới rất nhiều địa phương tham quan học hỏi mô hình, vận dụng vào trang trại tổng hợp của gia đình.

Trong một chuyến đi vào miền Nam, thấy bà con các tỉnh Đông Nam Bộ trồng thanh long với diện tích rất lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 1997, ông bàn bạc với vợ con quyết định xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, thời gian này gia đình ông không chỉ gặp khó khăn về vốn mà còn thiếu nguồn nhân lực. Ông phải tìm đến đồng đội cũ, bạn bè vay vốn, về quê mướn nhân công.

Sau một thời gian trồng thử thanh long ruột đỏ, ông Lưu là một trong những người thành công trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trang trại của ông đã có được hơn 1.000 gốc thanh long, trừ mọi chi phí gia đình ông thu về  hơn 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Ngoài ra, ông còn đầu tư nuôi gà thương phẩm gần 100 con, mỗi năm cùng đem về cho ông hàng chục triệu đồng. Ông Lưu cho biết, Phương châm làm kinh tế trang trại của ông là lấy ngắn nuôi dài, chia nhỏ thành nhiều mô hình để trồng và chăn nuôi. Vì nếu đầu tư không đúng thì rất khó tìm được đầu ra hiệu quả.

Với ý chí, nghị lực của một người lính, không ngại khó khăn gian khổ, ông đã từng bước gầy dựng được kinh tế gia đình vững chắc, nuôi con ăn học trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Điều hạnh phúc lớn nhất với ông lúc này là nhìn thấy người con trai cả của mình đang ngày một nỗ lực phấn đấu thay ông quản lý, xây dựng trang trại.

Hiện ông Lưu không may bị tai biến mạch máu não và phải phẫu thuật mổ máu tụ được hơn một năm. Mặc dù sức khỏe đã suy yếu đi rất nhiều, việc đi lại gặp khó khăn nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế” ông vẫn ấp ủ nhiều dự định mới như mở rộng quy mô trang trại trồng thêm 2.000 gốc thanh long ruột đỏ nữa. Bên cạnh đó, ông luôn động viên vợ con tiếp tục phát triển mô hình kinh tế trang trại của gia đình. Ngoài ra, ông Lưu tích cực cung cấp giống, bà con trong xã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ để người dân vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ là một thương binh làm kinh tế giỏi, mà thương binh Phan Gia Lưu còn là một là tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo, sáng mãi hình ảnh bộ đội cụ Hồ.