00:00 Số lượt truy cập: 3227993

Thủy sản đối mặt với ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật 

Được đăng : 03/11/2016
Do giá thành rẻ, hiệu quả cao nên người nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa Cypermethrin để xử lý ao nuôi. Chính điều này đã góp phần làm cho tỷ lệ tôm, cá chết do ô nhiễm tăng lên rất cao, nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu.

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã có gần 90.000ha tôm nuôi bị chết, bằng 294% năm 2010 và cao nhất trong 10 năm qua. Một số tỉnh có diện tích nuôi bị thiệt hại lớn là Sóc Trăng gần 70% diện tích thả nuôi; Cà Mau có hơn 8.300ha; Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre cũng bị thiệt hại lớn. Nguyên nhân là do các diện tích này đều bị ngộ độc do thuốc diệt giáp xác, diệt tạp.

Thực tế cho thấy, phần lớn hộ bị thiệt hại thường dùng sản phẩm diệt tạp có thành phần nông dược là Cypermethrine, thậm chí một số hộ sử dụng trực tiếp thuốc BVTV như Padan, Dexit, Visher…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện trên thị trường có khoảng 20 sản phẩm có chứa cypermethrin với tên gọi khác như Sherpa, Ambush C, Cymbush, Peran, Cyperan, Barricade, Ripcord, Ammo, Cypermethrine, Asymmethrin, Cymperator, Cypercopal, Hilcyperin, Neramethrin... Chất có chứa Cypermethrin lâu nay chỉ được dùng làm thuốc BVTV nhưng có trường hợp người dân dùng những sản phẩm có cypermethrin vào nuôi trồng thủy sản để diệt giáp xác tại các ao nuôi thủy sản, nhất là trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm. Đây là chất rất độc, chỉ cần ở nồng độ 0,05ppm (0,05 phần tỉ) cũng đủ để tôm chết 50%. Đặc biệt, Cypermethrin có độc tính trung bình đối với người nếu thông qua hô hấp, còn qua đường tiêu hóa thì độc tính cao hơn.

Theo các nhà khoa học, hoạt lực của Cypermethrin có thể tồn tại trong môi trường nước từ 42 – 72 ngày nhưng vì không nắm rõ nên chỉ 12 – 20 ngày sau khi xử lý ở ao nuôi nhiều người đã thả nuôi tôm.

Được biết, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD/năm. Trong 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là hàng rào kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước. Hiện, nhà chức trách Mỹ không cho phép nhập khẩu và lưu hành sản phẩm thủy sản có chứa cypermethrin; Nhật Bản cho phép ở mức 10 - 30 ppb (từ 10 - 30 phần tỉ), còn quy định của Liên minh châu Âu là 50 phần tỉ (ppb).

Thời gian qua, một số lô hàng thủy sản của Việt Nam đang bị cảnh báo có dư lượng hoạt chất Trifluralin và Enrofloxacin vượt mức cho phép.

Vì thế, nếu tình trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ như hiện nay của người nuôi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Không chỉ là tôm, cá và các loài khác bị chết mà còn ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề xuất khẩu của ngành. Do đó, việc ngăn chặn, giải quyết ô nhiễm thuốc BVTV trong NTTS là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

Theo các chuyên gia, cùng với việc tiến hành các biện pháp khắc phục, loại bỏ thuốc BVTV trong môi trường đất, nước, ao nuôi thì cần phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc ngay từ đầu vào. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã phải yêu cầu cấm 20 loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Cypermethrin trong NTTS.