00:00 Số lượt truy cập: 2692566

Tỉ phú ba ba ở Đồng Tháp 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, không ít người dân vùng ĐBSCL đã thành công với mô hình nuôi thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi ba ba thương phẩm. Trong đó có anh Nguyễn Thanh Sơn, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.


Anh Sơn cho biết, sau khi được Trạm Khuyến nông huyện Thanh Bình hướng dẫn kỹ thuật và được đi tham quan, học tập kinh nghiệm, tìm hiểu cách nuôi thực tế tại nhiều địa phương. Cuối năm 2006, anh Sơn đã mạnh dạn đốn bỏ các loại cây ăn trái kém hiệu quả, thuê kobe nạo vét 5 cái ao, với diện tích 0,6 ha và đến tận tỉnh Vĩnh Long mua 10.000 con ba ba giống đem về thực hiện mô hình nuôi ba ba thương phẩm.

Các ao nuôi được anh Sơn thiết kế hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín. Dưới đáy ao được đổ một lớp cát mịn và có độ nghiêng dần về phía cống thoát nước. Theo kinh nghiệm của anh Sơn, trước khi thả nuôi, sẽ lựa ba ba đực, cái nuôi riêng một ao để hạn chế hao hụt. Bởi, những con ba ba đực thường đeo dính ba ba cái thành một chùm làm cho con cái bị trầy da kiệt sức mà chết. Khi ba ba lớn đồng đều, mới bắt đầu thả con đực và con cái chung một ao nuôi để chúng giao phối và sinh sản.

Theo anh Sơn, đặc tính của ba ba là đào hang, nên ao nuôi phải chắc chắn và phải dùng tôn che chắn tránh hao hụt. Tuy nhiên, đây là loài dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là công nghiệp kết hợp thức ăn tự chế từ các loại cá, tép, ốc... được đánh bắt trong tự nhiên. Mỗi lần cho ăn, anh Sơn thường bổ sung thêm men tiêu hóa vào thức ăn, nhằm tránh bệnh đường ruột và giúp ba ba tăng trọng nhanh. Vì thế sau 18 tháng nuôi, anh Sơn thu hoạch được hơn 5.000 kg ba ba thương phẩm bán giá từ 200.000-300.000 đ/kg, thu về trên 1 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí các khoản đầu tư, công chăm sóc anh Sơn còn lãi hơn 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, đàn ba ba cũng sinh sản được trên 30.000 trứng và được anh cho ấp nở để nuôi tiếp trong thời gian tới. Với số giống này, anh Sơn cũng thu vào khoản lợi nhuận đáng kể khi bán cho các hộ lân cận. Anh Sơn tâm sự: “Nuôi ba ba trong ao tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại là rất dễ nuôi, ít bị bệnh và nguồn thức ăn cho ba ba rất dễ tìm. Người nuôi chỉ cần có nguồn thức ăn thích hợp, cho ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng trị bệnh cho ba ba đúng quy trình kỹ thuật thì ba ba sẽ tăng trưởng nhanh và đồng đều, cho lợi nhuận rất hấp dẫn so với các loài khác”.

Phấn khởi trước kết quả của vụ nuôi đầu tiên, anh Sơn đang tiếp tục đầu tư thả nuôi thêm 12.000 con ba ba để góp phần tăng nguồn thu nhập. Hiện tại đàn ba ba đang tăng trưởng tốt, đặc biệt đã có nhiều thương lái ở TP.HCM và các tỉnh lân cận thường xuyên liên hệ mua ba ba thịt và ba ba giống nên đầu ra rất lý tưởng. Theo anh Sơn, đây là mô hình có nguồn thu nhập cao, vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp và cũng rất phù hợp trong xu thế hiện nay...