Ngày 15-4, tại TP Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản. Thành phần hội nghị gồm có đại diện các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương ven biển trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT khẳng định những đóng góp lớn của ngành thủy sản cho nền kinh tế quốc dân. Sản lượng thủy sản năm 2013 đạt 5,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 4,5 triệu lao động, giữ vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năm 2013, cả nước có 117.998 tàu đánh cá (trong đó có 28.285 tàu có công suất trên 90CV, chiếm 23,1% tổng số tàu cá), sản lượng khai thác đạt 2,71 triệu tấn/năm. Cả nước có 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với khoảng 22.000 tàu cá, 145.000 nghìn lao động tham gia, 50 nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nghề khai thác thủy sản nước ta còn nhiều tồn tại: 99% tàu cá đóng bằng gỗ; gần 90% tàu cá sử dụng động cơ cũ, lạc hậu, tốn nhiên liệu; hầu hết tàu đánh cá bảo quản sản phẩm theo kiểu thủ công, thô sơ, nên tỷ lệ hư hỏng sau đánh bắt lên đến 25-30%. Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế; trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao đạt thấp, mới chiếm khoảng 20-25%. Sản phẩm cá tra xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng đông lạnh dưới dạng phi lê được xuất khẩu thông qua các công ty trung gian...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong thời gian tới, đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch và gắn với tổ chức lại sản xuất trên biển, đào tạo nghề cho ngư dân. Việc hiện đại hóa tàu cá sẽ tập trung ưu tiên cải hoán số tàu cá hiện có; đóng mới khoảng 3.000 tàu vỏ thép. Xây dựng hạ tầng tại 6 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Đối với nuôi trồng thủy sản, lựa chọn các đối tượng nuôi có ưu thế cạnh tranh cao, có thị trường, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và nhuyễn thể tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (trước mắt ưu tiên hình thành vùng nuôi tôm tại bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên). Tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi, ngư trường đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi; tập trung nghiên cứu, chọn tạo để sản xuất trong nước đủ giống, chất lượng cao đối với tôm nước lợ và cá tra kể từ năm 2015.
Về chế biến xuất khẩu thủy sản, chuyển mạnh cơ cấu từ chế biến thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến phù hợp văn hóa, thị hiếu từng thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh; tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững thị phần các thị trường xuất khẩu trọng điểm truyền thống, mở rộng các thị trường mới; liên kết trong phân phối sản phẩm đối với một số tập đoàn, hệ thống bán lẻ lớn ở thị trường ngoài nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các ý kiến phát biểu, tham luận của các bộ, ngành và địa phương, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, giới thiệu các mô hình, cách làm sáng tạo và kiến nghị, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để ngành thủy sản tiếp tục phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những kết quả to lớn mà ngành thủy sản đạt được. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại cơ chế, chính sách, điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với thực tế và nhu cầu ngư dân để tiếp tục khai tác tốt tiềm năng, lợi thế nghề cá./.