Rau: Nhiều đơn hàng
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu rau quả. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu nông sản bị sụt giảm, nhiều hợp đồng ký kết của doanh nghiệp bị hủy. Với những đơn hàng được ký kết thì đối tác nhập khẩu đề nghị giảm giá, đồng thời yêu cầu cao hơn về chất lượng. Ảnh hưởng nhiều nhất là mặt hàng trái cây cao cấp, đắt tiền. Ngược lại, mặt hàng rau ít ảnh hưởng hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng thường xuyên, có doanh nghiệp còn làm không kịp đơn hàng.
Hiện tại, mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn trái cây các loại, trong đó đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 46%. Do không có hệ thống kho trữ và công nghệ chế biến phù hợp nên nếu sản phẩm làm ra không bán kịp là phải đổ bỏ.
Ông Lý Hải Long, đại diện Công ty Bảo Khanh, cho biết điểm yếu của ngành rau quả Việt Nam chính là thiếu sự liên kết thông tin từ khâu trồng trọt, thu mua, chế biến cho đến mở rộng thị trường. Như Công ty Bảo Khanh, khi cử nhân viên sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường, do không có đủ thông tin nên việc xúc tiến lập văn phòng đại diện tại đây gặp nhiều khó khăn. Chưa kể mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận về yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với trái cây xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp còn lơ mơ về thỏa thuận này.
Thiếu hỗ trợ cho nhà vườn
Đứng trên góc độ nhà vườn, ông Ba Minh - một nhà vườn ở Tam Bình (Vĩnh Long) bức xúc: "Nhà nước bảo đảm nông dân trồng lúa được lời ít nhất 30%. Nhà vườn tụi tôi cũng yêu cầu nhà nước chỉ tụi tôi làm cách nào để lời như nông dân trồng lúa". Ông Minh cho hay giá xoài cát ở Đồng Tháp đang xấp xỉ 2.000 đồng/kg khiến nhiều nhà vườn chới với. Nhãn cũng vậy, khi được mùa nếu bán được sang thị trường Trung Quốc thì giá 7.000 đồng/kg nhưng nếu Trung Quốc không mua thì giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Oái oăm là chỉ sau nửa tháng kể từ khi thu hoạch, giá các loại trái cây này lại tăng vọt. Nếu có kho mát dự trữ trái cây thì nhà vườn sẽ không còn "ngồi trên đống lửa" mỗi khi được mùa.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, than thở: "Thị trường có, nguồn cung có, cái nông dân, nhà vườn cần nhất bây giờ là công nghệ bảo quản. Nhà nước có chính sách xuất khẩu lúa, có chính sách xuất khẩu cá tra nhưng đã có chính sách xuất khẩu trái cây chưa? Cá tra ách tắc thì thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bay sang Nga giải cứu, còn nông dân trồng dưa miền Trung trắng tay vụ dưa thì ít ai quan tâm".
- Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong tháng 4-2009 đạt gần 32,5 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng trước nhưng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung bốn tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả của Việt Nam đạt 127,8 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2008. Nga đã vượt qua Trung Quốc để vươn lên vị trí thứ nhất trong số những nước nhập khẩu rau, hoa quả của Việt Nam. Trong tháng 4-2009, kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả của Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 3,5 triệu USD, tăng 56% so với tháng trước, giảm nhẹ xuống mức 3,76% so với cùng kỳ năm 2008. Tiếp đến là Trung Quốc, trong bốn tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau, hoa quả vào thị trường này đạt 12,9 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2008. - Các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia đã tạo dựng tên tuổi cho một số sản phẩm rau quả tại thị trường châu Âu (EU). Chẳng hạn Malaysia vào năm 2004 đã chiếm đến 46% lượng nhập khẩu của EU đối với những loại trái cây được ưa chuộng. Thái Lan có thị phần lớn tại EU đối với các loại trái cây như đu đủ (4%), me (7%), bắp ngọt (67%), măng tây (8%)... Còn Việt Nam, ngoại trừ thanh long, các sản phẩm rau quả xuất khẩu khác chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường quốc tế. |