Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Bình Thuận hiện có diện tích thanh long dẫn đầu cả nước với hơn 25.000 ha, sản lượng hàng năm trên 500.000 tấn (chiếm 80% cả nước). Toàn tỉnh có hơn 8.000 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam ) và 222 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu).
![]() |
Cần quy hoạch để phát triển thanh long bền vững (Ảnh: HNV/CPV) |
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị trái thanh long xuất khẩu chưa chặt chẽ như: Sự gắn kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn rất yếu, các công ty xuất khẩu chưa xây dựng được vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua thông qua trung gian. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến còn chậm phát triển. Vấn đề thu hái, phân loại, đóng gói, bao bì và bảo quản thanh long chủ yếu là thực hiện bằng biện pháp thủ công, tỷ lệ hư hỏng do dập nát và thối của thanh long cao.
Tại Hội thảo, đa số những người trồng thanh long điều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thanh long chậm phát triển theo chuẩn VietGAP là do các doanh nghiệp thu mua. Hiện nay, 80% thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc, và thị trường này không đòi hỏi thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Từ đó, các doanh nghiệp thu mua không đặt tiêu chí sản phẩm theo chuẩn VietGAP và thu mua bằng giá với sản phẩm thông thường. Đây được xem là mối nguy cho thanh long Bình Thuận.
Ồng Nguyễn Tiến Phong, một hộ trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: sự lẫn lộn giữa sản phẩm VietGAP và không VietGAP đã có tác động rất lớn đến tâm lý người sản xuất theo VietGAP. Chính điều này đã làm cho những người sản xuất không muốn đăng ký tham gia chương trình và đang quay lưng lại với chương trình sản xuất theo chuẩn VietGAP. Hầu hết nông dân đang sản xuất theo VietGAP đều đặt vấn đề “sản xuất theo VietGAP, nhưng ai sẽ mua sản phẩm theo GAP". Đây là câu hỏi và là yêu cầu hết sức chính đáng của người trồng thanh long Bình Thuận hiện nay.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng: Thanh long Việt Nam đã xuất khẩu tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài một số thị trường truyền thống như Thái Lan , Indonesia , Hà Lan… thanh long đang từng bước xâm nhập vào một số thị trường mới là Ấn Độ, Nhật… Tuy nhiên, diện tích thanh long tăng nhanh khiến việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trước mắt, phải chú trọng triển thị trường nội địa, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu mặt hàng này trên thị trường thế giới và khu vực được đẩy mạnh; nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất – thu mua – sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; chuyển giao khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến; đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm../.
Nguyễn Thanh/TTXVN