Mỗi chuyến ra khơi, tôm, cá đầy khoang đang thực sự là tín hiệu vui của nghề cá. Tiếp đó dự án xây dựng mô hình “cải tiến nghề lưới vây” lại vừa được Sở NN&PTNT triển khai thực hiện tại xã Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn), hứa hẹn sẽ là “lối ra” cho nghề cá xứ Thanh.
Những ngày này, ngư dân khắp các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang “trúng đậm”, tàu liên tục rời cảng, cập bến, không khí mua bán tại các cảng cá trở nên sôi động. Tại cảng Hới, hiện mỗi ngày có hàng trăm tấn cá được tiêu thụ. Nhiều tàu còn bán ngay trên biển thông qua các ngư thương trung gian để quay ra đánh bắt. Bởi theo đa số ngư dân, luồng cá chỉ xuất hiện trong vài ngày nên họ tranh thủ thời vụ đánh bắt liên tục.
Vừa bước xuống tàu sau ba ngày ra khơi đánh bắt, ông Phạm Gia Thanh, ở thôn Vạn Lợi, chủ hai con tàu mang ký hiệu TH 90067 và TH 90035, cho chúng tôi biết: “Đây là chuyến mở màn đầu năm của đôi tàu nhà tôi. Thời tiết trên biển thuận lợi lắm! Chỉ mới ba ngày mà tôi đánh được 27 tấn cá, thu về hơn 200 triệu đồng”. Trong khi bà con ngư dân trong xã còn đang ngần ngại, do thiếu ngư cụ, lao động nên ông Thanh là chủ tàu duy nhất của xã Quảng Tiến ra khơi trong năm mới.
Sở dĩ làm được điều đó, bởi năm 2008, sau chuyến đi tham quan, học tập nghề cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình về, nhận thấy ngư dân tỉnh bạn đầu tư, trang bị ngư cụ tương đối đồng bộ, cho hiệu quả đánh bắt cao, ông Thanh đã vay 200 triệu đồng từ ngân hàng để mua máy dò ngang Jmc- thiết bị siêu âm định vị và xác định trọng lượng đàn cá nổi trên biển. Với công suất 150W, độ phóng 180 KHZ, chiếc máy có thể xác định vị trí đàn cá cách tàu 400 mét. Kết hợp với trang bị lưới vây cải tiến được nối dài, rộng khoảng 1.000m mà ông Thanh đã học từ ngư dân Thái Lan và Malaysia cùng các trang thiết bị như bóng chiếu sáng, máy đẩy ra vây, kéo vây, trà lưu động tương đối đồng bộ nên chỉ sau 3 chuyến đi trước Tết, đội tàu của ông đã thu được 1,3 tỷ đồng. Hiệu quả vượt xa so với khai thác bằng lưới vây truyền thống.
Đưa tay về phía con tàu, giọng sang sảng, ông Thanh cho biết: “Có tàu to, máy tốt, đôi tàu của tôi cùng với ba tàu khác trong xã đã vào đánh cá ở ngư trường miền Trung, quanh các đảo ở ngoài khơi Đà Nẵng, vùng biển này có lượng cá nổi rất lớn. Sắp tới tôi sẽ vay tiền ngân hàng mua sắm thêm các thiết bị (hiện chỉ mới đáp ứng 30% yêu cầu). Nhất định chúng tôi sẽ thắng đậm”.
Nhìn lại năm 2008, cùng với ngư dân cả nước, nghề đi biển ở tỉnh Thanh Hóa phải lao đao vì cơn “bão” tăng giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào. Sau mỗi chuyến ra khơi, cập bến, ngư dân lại thêm nợ nần. Chính sách trợ giá, trợ cước xăng dầu cho ngư dân của Chính phủ đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, giúp ngư dân vượt qua cơn “bĩ cực”. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi chuyến ra khơi của ngư dân vẫn không dư dật là bao.
Có một thực tế mà ai cũng rõ, đấy là hầu hết các phương tiện, trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghề đánh bắt của ngư dân tỉnh ta đã lạc hậu. Trong khi, nhìn sang ngư dân các nước láng giềng như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, phương tiện đánh bắt của họ đã được chuẩn hóa, với nhiều loại tàu cỡ lớn có thể vượt gió cấp 7, cấp 8 và công nghệ khai thác được trợ giúp bởi hệ thống ngư cụ hiện đại. Chính trong lúc ngư dân phải đối diện với khó khăn mọi bề, năm 2007, dự án hỗ trợ 50% tiền mua máy dò ngang được thí điểm ở xã Quảng Tiến. Ông Phạm Gia Phúc, thôn Toàn Thắng, chủ hai con tàu có công suất 238 CV và 230CV, là chủ tàu cá duy nhất ở Sầm Sơn được hưởng dự án hỗ trợ ngư dân mua máy dò ngang SONAR cho tàu cá, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/giá máy là 240 triệu đồng.
Chiều 14-2-2009, gặp ông tại cảng Hới khi đang cùng các thuyền viên chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, ông cho biết: Năm 2007, đôi tàu của ông đánh bắt được 350 tấn hải sản. So với sản lượng đánh bắt toàn xã Quảng Tiến năm 2008 đạt 1.800/251 tàu, bình quân 1 tàu chỉ khai thác được 34 tấn. Như vậy, năng suất đánh bắt hải sản trên hai tàu của ông Phúc gấp hơn 10 lần so với bình quân của xã.
Với ý tưởng xây dựng mô hình điểm “cải tiến nghề lưới vây” để nâng cao hiệu quả đánh bắt sau mỗi chuyến ra khơi và xuất phát từ kết quả khai thác của ngư dân Quảng Tiến trong những năm gần đây, ngày 13-2-2009, Sở NN&PTNT tỉnh đã chấp thuận cho Quảng Tiến được thực hiện mô hình “cải tiến nghề lưới vây” đạt hiệu quả đánh bắt cao, sau một năm sẽ tổng kết, nhân ra diện rộng. Mô hình gồm 4-6 tàu đánh bắt cá xa bờ, chia làm hai tổ. Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Sầm Sơn sẽ là đơn vị cho vay vốn để thực hiện hiện mô hình “cải tiến nghề lưới vây” với nguồn vốn khoảng hơn 3 tỷ. Thời hạn vay là 3 năm và sẽ được xem xét hỗ trợ lãi suất tiền vay. Đây là những chủ tàu năng động và quyết đoán. Họ mạnh bạo nối lưới vây cho dài rộng thêm, từ đó tăng hiệu suất đánh bắt cá. Kiểu lưới này học từ ngư dân Thái Lan và Malaysia. Cải tiến lưới vây đồng thời trang bị thêm máy đẩy, máy nổ để phát sáng, máy kéo lưới... Đặc biệt, có máy dò ngang (thiết bị dò tìm đàn cá trong lòng biển bằng thủy âm) thì mới có hiệu quả.
Niềm vui nối tiếp niềm vui đến với người đi biển và chúng ta cùng tin tưởng rằng nghề cá xứ Thanh sẽ tìm được lối ra mới.