00:00 Số lượt truy cập: 2680716

Tình hình thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do mưa lũ 

Được đăng : 03/11/2016

Trong 3 ngày: 31/10; mùng 1và 2/11/2008 trận mưa lớn đã làm thiệt hại nặng về Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Mặc dù đã có nhiều biện pháp chắn giữ và nỗ lực cố gắng của chủ hộ, trang trại và phía Ban, Ngành tại địa phương, song do lượng mưa quá lớn làm cho nhiều diện tích đầm, ao nuôi thủy sản bị mất trắng chỉ trong thời gian ngắn.


Tại Vĩnh Phúc: Diện tích nuôi cá thịt, cá giống của nhiều nơi bị tràn ngập và thiệt hại lớn: tính đến ngày 4/11/2008 trên địa bàn toàn tỉnh có trên 4 nghìn ha diện tích ao, hồ, đầm bị ngập, ước thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng. Huyện Vĩnh Tường có diện tích bị ngập lớn nhất (hơn 1 nghìn ha), kế đến huyện Yên Lạc (939,90 ha) và Bình Xuyên (772,40 ha). Một số mô hình nuôi cá theo chương trình khuyến ngư trên toàn tỉnh chưa kịp thu hoạch cũng bị ngập, trong đó có mô hình nuôi tôm hùm nước ngọt ở huyện Vĩnh Yên, Lập Thạch, Yên Lạc…

Tương tự tại Hà Nội: Theo báo cáo của tỉnh Chi Cục Thủy sản Hà Nội – Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ngày 02/11/2008 cho thấy: tổng diện tích thiệt hại vào khoảng trên 8.000.000 ha, ước thiệt hại khoảng hơn 1.000.000 tỷ đồng.

Tại huyện Thạch Thất, huyện Thường Tín sau trận mưa đã có 400 ha và Phúc Thọ: 600 ha diện tích nuôi thủy sản đã bị ngập. Tuy nhiên, thiệt hại về thủy sản nặng nề trong đó có: huyện Ứng Hòa (1.560 ha), Mỹ Đức (1.400 ha), Chương Mỹ, Thanh Oai (1.000 ha), Phú Xuyên (700 ha).

Phường Trần Phú, Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được coi là "vựa" cá lớn của Thủ đô. Đợt mưa lớn mấy ngày qua làm các hộ nuôi trồng thuỷ sản nơi đây bị thiệt hại nặng nề. Do mưa lớn, nước đổ dồn về đầm quá nhanh khiến các hộ nuôi cá trở tay không kịp, dùng bơm công suất lớn cũng chẳng ăn thua so với lượng nước dâng cao. Nhiều ao cá đã đến tầm thu hoạch, mưa lớn làm cá tràn sang các ao nuôi khác, các sông, hồ rồi hòa vào biển nước mệnh mông. Người dân nuôi thủy sản chỉ biết ngậm ngùi với số tiền thiệt hại chất thành nợ nần, chưa biết xoay sở thế nào.

Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng đã tập trung nhân lực xử lý các trường hợp sạt lở, tràn đê sông Tích, sông Mỹ Hà, sông Bùi, sông Duy Tiên và đập Quan Sơn để đảm bảo an toàn.

Cũng Theo Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Nam, ngày 6/11/2008: tổng số diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, thiệt hại là 4.200 ha, ước sản lượng thiệt hại trên 12 nghìn tấn cá, 50 nghìn tấn tôm, ước thiệt hại về kinh tế trên 250 tỷ đồng.

Mưa lũ đã làm hệ thống đê điều tỉnh Hà Nam xảy ra một số sự cố như sạt lở mái đê thượng, hạ lưu đê tả đáy; tràn đê sông Nhuệ và các bối như: Phù Vân, Lam Hạ, Lạc Tràng… Tuy nhiên, các sự cố đê điều đã được xử lý trong ngày 02/11/2008 nên đến nay hệ thống đê kè trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn. Các huyện thiệt hại nặng về thủy sản có Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng…

Ngoài ra các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ và Quảng Bình cũng bị thiệt hại về nuôi trồng thủy sản từ đợt mưa vừa qua.