Ngày 5/12/2013, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Tổng Cục Thủy sản tiến hành tổng kết nuôi tôm năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 ở các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Cục trưởng Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đến ngày 22/11/2013 là 652.612 ha (bằng 99,2% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó diện tích nuôi sú là 588.894 ha; diện tích nuôi tôm chân trắng 63.719 ha. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch là 475.854 tấn (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó tôm sú là 232.853 tấn, tôm chân trắng là 243.001 tấn. Điều đáng chú ý là diện tích nuôi tôm chân trắng chỉ xấp xỉ 10% diện tích nuôi tôm sú nhưng sản lượng tôm chân trắng thu được cao hơn 9 lần so với sản lượng tôm sú (cùng diện tích). Có những mô hình nuôi thâm canh ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… đạt năng suất cao 30-40 tấn/ha/năm. Giá trị xuất khẩu tôm của cả nước đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2012) và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước (nguồn VASEP).
Năm 2013, cả nước có 1.722 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 583 cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng. Sản lượng giống sản xuất khoảng 68,5 tỷ con (trong đó tôm chân trắng là 47,2 tỷ con; tôm sú là 21,3 tỷ con). Đạt được những thành tựu đó là do có sự cố gắng nỗ lực của toàn thể nông, ngư dân cả nước cùng với sự chỉ đạo kịp thời của các địa phương, song phải kể đến sự chỉ đạo sát sao và trách nhiệm cao của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2013, Tổng Cục Thủy sản đã ban hành 13 văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về thủy sản. Công tác khuyến ngư cũng góp phần quan trọng trong thành tích đó, những hoạt động khuyến ngư triển khai là xây dựng mô hình, tâp huấn và thông tin tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân nuôi an toàn, hạn chế rủi ro, đạt hiệu quả cao, bền vững trong nuôi tôm.
Bên cạnh những thành tích nổi bật đó, một số hạn chế cũng được Hội nghị mổ sẻ để rút kinh nghiệm như:
1) Tổ chức hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản chưa thống nhất giữa các địa phương; vấn đề thống kê và dự báo trong sản xuất còn nhiều bất cập nên công tác chỉ đạo chưa sát với thực tế, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất;
2) Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, tình trạng nuôi ngoài vùng quy hoạch, tự ý chuyển đổi diện tích làm muối sang nuôi tôm đã gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư do ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất cân đối cung cầu;
3) Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư tương xứng và chưa theo kịp thực tế sản xuất;
4) Việc ban hành các văn bản quản lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về con giống, về điều kiện của cơ sở sản xuất giống còn chậm gây khó khăn trong công tác quản lý.
Hội nghị cũng đã thảo luận những nhiệm vụ mà nuôi thủy sản mặn lợ cần làm trong năm 2014. Đó là: Tiếp tục duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú; sản lượng tôm chân trắng tăng 20-30%, tập trung phát triển nuôi tôm chân trắng theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở quy mô trang trại, quy mô nông hộ có điều kiện đảm bảo. Giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ, phát hiện nhanh tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng, đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm chân trắng, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch. Kế hoạch diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2014 là 670.000 ha (tăng 2,3% so với năm 2013), sản lượng 560.000 tấn (tăng 5,7% so với năm 2013).
Để đạt được mục tiêu trên, Tổng Cục thủy sản đã đưa ra các giải pháp về: quy hoạch, quản lý giống và thức ăn, quản lý môi trường và dịch bệnh, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, công tác khuyến ngư, vốn.
KVT - TTKNQG