00:00 Số lượt truy cập: 3234274

“Trẻ hóa” nông dân 

Được đăng : 03/11/2016
Khoa học công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với chất lượng sản phẩm. Nhưng để thụ hưởng thành quả này thì chất lượng nguồn nhân lực phải tương xứng với yêu cầu tiếp nhận và khả năng ứng dụng những tiến bộ đó. Chất lượng nguồn lực lao động chỉ có khi sự đào tạo, huấn luyện cho nông dân đầy đủ, cũng như trang bị cho họ một tinh thần sẵn sàng thích ứng với yêu cầu mới.

Nguồn nhân lực lao động nông nghiệp TPHCM hiện nay bị hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, tuổi đời, số lượng lao động. Nếu năm 1998, dân số sống bằng nghề nông ngoại thành là 480.082 người (chiếm 56,3% dân số nông thôn) thì đến năm 2006 con số ấy chỉ còn 250.556 người (chiếm 24,2% dân số nông thôn - nhưng chỉ có 142.834 người là lao động trực tiếp trong nông nghiệp).

Tình trạng “lão hóa” xuất hiện ngày càng rõ trong lao động nông nghiệp. Nhóm lao động trẻ (dưới 36 tuổi) có chút văn hóa đang có khuynh hướng chuyển sang khu vực phi nông nghiệp, trong khi đó nhóm lao động lớn tuổi (40-60 tuổi) thì ngày một tăng.

Mặt bằng học vấn của nông dân lại thấp. Trình độ cấp 3 của dân số nông thôn trong độ tuổi lao động chỉ chiếm 20,03%. Theo số liệu điều tra dân số, tỷ lệ dân số từ 13 tuổi trở lên không có bằng cấp chuyên môn ở nông thôn rất cao, đến 93,2%.

Việc giới thiệu nghề làm nông cho lực lượng thanh niên và nâng cao tay nghề cho nông dân, góp phần giải quyết nguồn nhân lực nông nghiệp là yêu cầu đặt ra. Nhưng để làm được việc này cần nâng cao nhận thức về nghề nông.

Phải làm cho thanh niên nông thôn hiểu rằng nghề nông dù vất vả nhưng vẫn có thể làm giàu nếu có năng lực và điều kiện, trong đó khoa học kỹ thuật, tay nghề cao sẽ giúp công việc đồng án hiệu quả hơn. Tạo được ý thức học hỏi cho nông dân coi như đạt trên 90% mục đích.

Tuyên truyền gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, kinh nghiệm vượt khó làm giàu giữa người giỏi với người giỏi, giữa nông dân chưa giỏi với người giỏi khác cũng là việc cần làm. Việc đi tham quan các mô hình, cách làm ăn giỏi trong nước (kể cả ở nước ngoài) cũng kích thích sự ham muốn học hỏi ở nông thôn.

Kiên quyết loại bỏ chuyện mở lớp theo chỉ tiêu, chiêu sinh lấp kín người vào danh sách dự học, thậm chí có người bất cứ lớp nào cũng mời, người không làm nông nghiệp “cũng bị mời” đi học.

Hiện nay việc “giảng chay” vẫn còn khá phổ biến. Cần để nông dân có dịp nghe nông dân nói về kinh nghiệm và hiệu quả làm ăn minh họa nội dung đang học. Nên chiếu minh họa công việc làm ăn của một nông dân tiêu biểu mà lớp học sẽ đến tìm hiểu thực tế. Cũng nên mời những nông dân giỏi đứng lớp, nghệ nhân đứng giảng thực hành cho nông dân.

Các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các chính sách hỗ trợ về vốn của thành phố, của các tổ chức đoàn thể giúp nông dân sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, các địa chỉ cung cấp giống mới, thiết bị, giá cả, nơi tiêu thụ mua bán là những nội dung cần được lồng ghép vào lớp học của nông dân.