"Ấy là dân buôn bán hoa quả và mọi người cứ gọi như thế, chứ vợ chồng tôi chỉ có vài trăm gốc nhãn, vải, xoài, khế… thì đã có gì to tát để lên báo!".
Anh Nguyễn Đình Uy khiêm tốn nói với tôi khi hai tay đang bê một rổ nặng những quả khế ngọt chín căng mọng ra khỏi vườn hoa quả xum xuê để chuẩn bị cho phiên chợ cuối tuần. Được mùa khế ngọt.
Gặp "miền đất hứa"
Cách đây 11 năm, nhân dân thôn Tân Long, xã Cốc Mì (Bát Xát) xôn xao vì có một cặp vợ chồng chẳng rõ từ đâu lên, bỏ ra những bốn chục triệu đồng chui vào tận khu rừng toàn vầu và cây dại mua đất làm nhà. Ai cũng nghĩ ở vào thời điểm ấy, số tiền lớn như vậy có thể tậu được một mảnh đất đàng hoàng nếu không ở thị trấn Bát Xát thì cũng ở ngay chợ xã để sinh sống, sao lại phải chui vào rừng làm gì cho khổ, đúng là chẳng cái dại nào giống cái dại nào.
Lắng nghe những lời khuyên ngăn của mọi người, cặp vợ chồng ấy vẫn làm theo dự định của mình, bởi chính cuộc sống nơi miền quê đất chật người đông, một mét vuông đất cũng quý như vàng đã cho anh chị nhiều bài học về cách làm giàu. Đứng từ đỉnh đồi, khoát một vòng tay rộng, anh Uy nói: "Ngày trước, khi vợ chồng tôi chân ướt, chân ráo bước vào đây, cả khu vực này nói là rừng có chủ, nhưng thực ra chỉ toàn vầu và cây dại với dây leo chằng chịt. Nhìn đất bị bỏ phí thấy tiếc quá, ở quê có mơ cũng chẳng được mảnh đất màu mỡ như vậy để trồng trọt". Thế là bỏ cả một ngày ròng, anh ngược rừng phát cây mở đường đi tìm nguồn nước với niềm tin rằng, địa thế này, ắt phải có mạch nước ngầm nằm đâu đó tiếp sức cho cây cối xanh tốt. Niềm vui vỡ òa khi từ trong thung sâu, anh phát hiện nơi kẽ đá đùn lên mạch nước trong suốt, mát lạnh dào dạt chảy. Vốc bàn tay hứng nguồn nước lành uống cho đã khát, ngay từ giây phút ấy, chàng trai quê Hưng Yên đã sung sướng hình dung ra một viễn cảnh trang trại hoa trái xum xuê nay mai sẽ mọc lên thay thế cho rừng cây dại ngay chính nơi này.
Triệu phú hoa quả
"Gặp mảnh đất tốt, nhưng nếu không có bàn tay, công sức, những giọt mồ hôi đổ xuống thì "đất hứa" mãi chỉ là "đất hứa" mà thôi. Không thể kể hết được những vất vả, gian nan và công sức hai vợ chồng tôi đã bỏ ra để đến nay có được trang trại cây cối như bây giờ". Anh Uy nhớ lại những ngày tháng vợ chồng phải còng lưng cuốc đất, lật đá, tay chân phồng rộp, tứa máu vì gai cào, đá cứa để đánh bật từng rễ vầu và lau lách, bắt cây dại phải nhường đất lại cho vườn cây ăn quả mọc lên. Trang trại của anh ban đầu chỉ rộng chừng 2 ha, nhưng nhờ mua thêm đất của dân và tự tay khai phá, nay đã có trên 5 ha. Sinh ra trên mảnh đất Hưng Yên, lại có thời gian làm nghề sấy vải, nên anh Uy đã tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về trồng và phát triển loại cây ăn quả giá trị này. Nhận thấy đất đai, khí hậu nơi đây phù hợp với giống vải thiều, anh đã về quê để đem cây giống đầu tiên lên trồng. Ngoài cây vải là cây chủ đạo ra, anh còn về tận Trại giống Nông Nghiệp I ở Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm trồng thêm nhiều loại cây ăn quả năng suất cao: nhãn, xoài, khế…
Từ những gốc cây đầu tiên bén rễ, qua bàn tay vun trồng chăm bón của vợ chồng anh, đến nay, trang trại đã có trên 200 gốc vải thiều, vải lai cho thu hoạch 7 mùa quả, 100 gốc xoài Đài Loan giống quả to, mỗi quả nặng chừng 1,3 - 1,5 kg, hơn 60 gốc nhãn, khế ngọt đã cho thu hoạch. Tính trung bình mỗi năm, trang trại của anh cung cấp cho thị trường hoa quả Lào Cai và xuất khẩu sang Trung Quốc vài chục tấn hoa quả các loại, tổng thu nhập trên 100 triệu đồng. Đến vụ thu hoạch quả, các lái buôn tự đánh xe vào mua tận cây chứ không phải chở đi bán lẻ, nên vừa bán được với số lượng lớn lại đỡ tốn thời gian và công vận chuyển. Góc rừng thường ngày vắng vẻ, chỉ có tiếng chim hót mà vào vụ quả bỗng nhộn nhịp hẳn lên…
Dẫn tôi đi thăm trang trại, anh Uy giới thiệu từng loại cây trái tính nết ra sao, chăm sóc thế nào, năng suất, sản lượng mỗi loại… chẳng khác gì một kĩ sư nông học. Bước vào vườn khế đang mùa quả chín, tôi như không tin vào mắt mình khi nhìn những cành cây oằn xuống chi chít quả, phải dùng cây chống cho khỏi gẫy. Có chùm khế nặng đến cả yến, quả chín vàng, căng mọng. Ông "Vua hoa quả" tự hào khoe: đây là loại khế ngọt, ăn thơm ngon và mát mà lại không chua gắt như giống khế thường, nên được khách hàng rất thích. Ngoài bán đổ cho cánh lái buôn, mỗi phiên chợ, vợ tôi mang đi bán lẻ cũng được 500 - 600 nghìn đồng. Mỗi năm, chỉ tính riêng thu nhập từ vườn khế cũng được hai chục triệu đồng… Đúng là vườn khế đang từng ngày "nhả ra vàng" làm giàu cho vợ chồng chủ trang trại trên đất này.
Khi được hỏi về kế hoạch phát triển trang trại, anh Uy cho biết, mới đây, anh lặn lội về tận quê mang lênthêm trên 100 gốc cam Vinh, là loại cam quả nhỏ, nhưng rất ngon, chỉ ba năm đã cho thu hoạch; 50 gốc nhãn Hương Chi hoa vàng đặc sản và dự định trồng thêm một đồi mít Thái Lan vì thấy thị trường đang ưa chuộng. Dự định thì còn nhiều, nhưng ngặt vì các con bây giờhọc hết, nhà neo người, chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nên cũng khó khăn. Được biết, ngày trước khi lên mở đất lập trang trại, anh Uy còn rủ thêm vợ chồng người anh em đồng hao ở quê lên làm cùng. Đến nay, trang trại bên cạnh của gia đình em vợ cũng rộng trên 4 ha, quanh năm xum xuê hoa trái.
Không rõ ai là người đặt tên mà bây giờ nói đến "Vua hoa quả" ở Tân Long thì ai cũng biết. Dân quanh vùng nhìn vợ chồng anh Uy làm giàu từ hoa quả, được anh tận tình hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cho cây nên cũng mạnh dạn làm theo, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, thoát nghèo bền vững. Câu chuyện "chẳng cái dại nào giống cái dại nào" của hơn chục năm về trước hình như chẳng ai quên được, nhưng cũng không thấy ai nhắc tới nữa vì còn mải miết làm giàu…