00:00 Số lượt truy cập: 3206269

Triệu phú vùng cát trắng 

Được đăng : 03/11/2016

Đến thăm trang trại của anh Võ Đại Nghĩa ở thôn Thạch Hạ, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chúng tôi không khỏi ngạc nhiên giữa những triền cát trắng trải dài ven biển là những cánh rừng keo, rừng tràm xanh ngắt bạt ngàn.


Đưa chúng tôi đi thăm trang trại của mình, anh Võ Đại Nghĩa kể: Năm 1989 sau khi xuất ngũ trở về, năm 1990 anh đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi sang Tiệp Khắc. Suốt 7 năm lao động ở nước ngoài, tiết kiệm được ít tiền, năm 1997 anh trở về quê hương. Bạn bè cùng ở nước ngoài về nước với anh, người mở cửa hàng kinh doanh, người buôn bán bất động sản, riêng anh mong muốn phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình. Nhưng quê anh cát bao quanh. Bao lâu nay, trồng cây gì cũng khó sống. Năm 2003, anh Nghĩa mạnh dạn nhận 30 ha đất cát trắng ven biển. Nghiên cứu kỹ chất đất, khí hậu, thời tiết, anh xác định chỉ trồng cây lâm nghiệp và phát triển đàn gia súc. Trước hết, anh quy hoạch lại vùng đất trên cao để trồng keo, tràm. Cây đặt vào hố rồi cứ héo rũ, anh phải thuê thêm người gánh nước tưới cây. Nhiều người đi qua bụm miệng cười bảo: “Nắng gió thế này, sức đâu mà gánh nước tưới cây”, nhưng anh không nản. Cây của anh được che chắn cẩn thận, tưới nước đầy đủ đã sống và phát triển xanh tốt. Mừng quá, anh thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài, chọn 1 ha đất gần mặt suối trồng rau xanh bằng phương pháp dùng nilon phủ, làm giàn trồng dưa, bầu bí ... để phục vụ hai bữa ăn hàng ngày cho công nhân trồng cây lâm nghiệp.

Màu xanh rừng keo, tràm trải rộng trên vùng đất cát trắng như tăng thêm nhiệt huyết cho anh, anh quyết định vay vốn ngân hàng về đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc và trồng5 ha cỏ voi phục vụ đàn bò. Lứa đầu, anh mua 74 con bò giống về nuôi, sau phát triển lên trên 100 con. Đồng thời nuôi 500 con lợn siêu nạc, mỗi năm anh xuất chuồng bán 2 - 3 lứa, trừ chi phí, anh bỏ túi túi 150 triệu đồng. Toàn bộ tiền này, anh đầu tư nuôi tôm sú. Trước khi nuôi, anh vào công ty Ha Oai (Phú Yên) học kinh nghiệm và ký hợp đồng mua giống tôm về nuôi. 3 ha mặt nước của anh nhanh chóng hoàn chỉnh, được xử lý kỹ trước khi thả tôm giống. Anh ký hợp đồng với một kỹ sư thủy sản để chuyên lo về kỹ thuật với mức lương 2,8 triệu đồng/tháng. Hàng năm thu từ bò, lợn, tôm sú, anh bỏ túi trên 1 tỷ đồng. Với quy mô sản xuất 15 ha cây lâm nghiệp, 5 ha cỏ voi, trang trại chăn nuôi trên 100 con bò, 500 con lợn siêu nạc, 3 ha nuôi tôm sú và 1 ha rau xanh các loại ...với 22lao động thường xuyên, 20 - 30 lao động thời vụ, trong đó có 1 kỹ sư thủy sản, 1 cán bộ trung cấp lâm sinh.

Thấy tôm thẻ chân trắng cho năng suất hơn tôm sú, anh tiếp tục khăn gói vào công ty Ha Oai học kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh nghiên cứu thấy nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất cao hơn tôm sú nhiều lần, đặc biệt là sử dụng máy ôzôn. Lúc đầu, anh làm mô hình điểm nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng máy ôzôn đầu tiên của tỉnh Quảng Bình có hiệu quả, sau đó anh chuyển toàn bộ 3 ha hồ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Anh so sánh, nuôi tôm sú, mỗi năm chỉ thu hoạch 2 vụ, năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha, còn nuôi tôm thẻ chân trắng có sử dụng máy ôzôn, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất 15 tấn/vụ/ha (gấp 5 lần nuôi tôm sú).

Không chỉ làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động, anh còn giúp đỡ hàng chục gia đình thoát nghèo. Nhiều hộ được anh giúp đỡ đã xây được nhà ở khang trang. Ngoài ra, anh còn tham gia đóng góp tiền làm đường giao thông, đóng góp vào quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ nông dân xã, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt ... Liên tục trong nhiều năm liền, anh Nghĩa được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi và được nhận nhiều bằng khen của Hội Nông dân, của các cấp chính quyền.