00:00 Số lượt truy cập: 2674126

Triệu phú vùng rừng 

Được đăng : 03/11/2016
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất xa xôi và khó khăn bậc nhất huyện Yên Thế (Bắc Giang), Nguyễn Cảnh Hưng (sinh năm 1982) ở bản Trại Hạ, xã Đồng Tiến đành gác ước mơ học hành do hoàn cảnh gia đình. Cũng vì nghèo, nhiều người đã ra thành phố kiếm việc làm nhưng Hưng lại nghĩ khác, anh muốn làm kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Và anh đã thành công nhờ mô hình nuôi gà đồi.

Hưng xây dựng gia đình từ năm 2004, cuối năm, anh chị xin ra ở riêng. Bố mẹ định chia cho hai vợ chồng mảnh đất gần nhà nhưng anh muốn khai phá vùng đất hoang của gia đình. Nhìn bốn phía toàn rừng núi hoang vu, hai vợ chồng cũng thấy ngao ngán, nhưng với đôi tay quen cấy cày và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh chị bắt đầu khai phá “miền đất hứa”.

Ban đầu cùng với sự giúp đỡ của gia đình, họ hàng, anh chị trồng được 4ha bạch đàn xen sắn và 2ha vải thiều. Do bạch đàn và vải có thời gian thu hoạch dài mà tiền vốn đã cạn nên nguy cơ đói nghèo cứ hiện ra trước mắt. Anh Hưng phải xoay đủ nghề từ buôn sắn, bán củi. Nhất là khi vợ anh sinh con đầu lòng, khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.

Trồng cây cũng đến ngày hái quả, cuối cùng cũng đến lúc anh chị được thu hoạch. Đầu tiên là sắn, vụ ấy anh thu được gần 10 tấn sắn khô. Hưng bán một nửa để giải quyết khó khăn và lấy vốn làm ăn, còn lại anh dùng làm thức ăn nuôi gà, ý tưởng mà anh đã ấp ủ từ lâu. Anh mua 800 con gà công nghiệp về nuôi thử. Nhưng do gà công nghiệp chịu bệnh kém, không phù hợp với đất và thức ăn nên lăn ra chết. Sau gần 2 tháng nuôi, đàn gà của anh chỉ còn vẻn vẹn 12 con.

Tưởng như sau lần vấp ngã này, vợ chồng anh không thể gượng lên được. Nhưng với quyết tâm thoát nghèo và sự giúp đỡ của gia đình, Hưng đã làm lại từ đầu. Anh tìm đến trạm khuyến nông mượn sách tham khảo và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình khác. Đặc biệt, anh còn nhận được sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên thông qua việc giới thiệu đi dự những buổi hội thảo về chăn nuôi và những buổi giao lưu giúp thanh niên làm giàu.

Lúc đó, mô hình nuôi gà đồi đang phát triển ở nhiều vùng trong huyện Yên Thế. Anh nghĩ vườn nhà rộng, nếu nuôi thả gà đồi sẽ phù hợp vì gà nuôi theo phương pháp này sẽ ít mắc bệnh. Vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng 10 triệu đồng, tu sửa chuồng trại rồi mua 1.200 con gà giống về nuôi. Trời không phụ lòng người, gà lớn nhanh, không bị mắc bệnh, sau 3 tháng, mỗi con đạt trọng lượng 1,7 - 2kg, với giá bán 35.000 - 40.000 đồng /kg, trừ chi phí, anh lãi 15 triệu đồng.

Thêm kinh nghiệm từ bước đầu thành công và có thị trường tiêu thụ ổn định, anh tiếp tục mua thêm 3.000 con gà về nuôi và mở rộng chuồng trại lên cả rừng bạch đàn. Hưng nói: “Nuôi thả gà theo cách này rất dễ, lớn nhanh, ít mắc bệnh mà tận dụng được phân gà bón cho cây”. Cứ như vậy, lứa này nối lứa khác, kinh nghiệm nuôi gà đồi được anh áp dụng nhuần nhuyễn. Giá gà đồi ngày càng tăng do thị trường mở rộng, hiện giá gà đồi tại chuồng đạt 60.000 - 70.000 đồng /kg.

Bằng sự thông minh, sáng tạo trong công việc, Nguyễn Cảnh Hưng đã vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu, quan trọng hơn anh đã tìm ra và áp dụng thành công cách nuôi gà mới. Cách nuôi gà đồi của anh được nhiều người học hỏi và áp dụng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: “Xã luôn khuyến khích và giúp đỡ những người làm giàu từ mô hình vườn đồi, đặc biệt là những thanh niên trẻ sớm có ý thức làm giàu. Anh Hưng là ví dụ điển hình, đây là tấm gương cho nhiều người, nhất là thanh niên trong xã học tập”.

Đứng trước trang trại với hơn 200 cây vải thiều, 7ha bạch đàn và lúc nào cũng có hơn 2.000 con gà đứng kín đất, anh chàng “triệu phú gà đồi” không hết hạnh phúc và tự hào. Anh cho biết thu nhập mỗi năm từ trang trại của anh đạt khoảng 80 - 90 triệu đồng. Không giấu nghề, anh thường chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người. Tâm sự trước khi chia tay, anh nói: “Tôi không có mong muốn gì hơn là mọi người cùng làm kinh tế từ vườn đồi, và những thanh niên trẻ như tôi sẽ đưa quê hương phát triển giàu đẹp hơn”.