Ai gặp anh, dù là lần đầu tiên cũng bị thuyết phục bởi ánh mắt cương nghị, sự quyết đoán và những tâm sự rất thật của chàng trai người Mông. Sinh năm 1971 nhưng hiện anh đã có trong tay hơn 100 đàn ong mật, 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi ong. Anh là Vừ Vản Phùa ở thôn Chống Pả, xã Phố Cáo (Đồng Văn - Hà Giang).
Khởi nghiệp bằng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
Phố Cáo là xã nghèo của huyện Đồng Văn, hệ thống giao thông trắc trở, tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu. Toàn xã có gần 900 hộ dân thì 2/3 thuộc diện nghèo. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình Vừ Vản Phùa cũng phải xoay xở đủ cách, từ nuôi lợn, gà đến bán hàng tạp hóa mới không bị thiếu lương thực lúc giáp hạt.
Năm 2002, Phùa được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Kinh nghiệm chưa có nên anh không khỏi lúng túng, trăn trở. Thấy cái đói, cái nghèo cứ đeo bám đồng bào, trong khi bản thân đã được đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, được phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Phùa quyết tâm phải làm gì đó để kinh tế gia đình khởi sắc, làm gương cho bà con noi theo.
Nhận thấy trong vùng có nhiều vườn cây ăn quả và những triền đồi trồng cây bạc hà, Phùa quyết định nuôi ong mật. Ban đầu, anh chỉ dám nuôi 20 đàn vì không có vốn, chưa nắm chắc kỹ thuật. Dần dần, thấy nghề nuôi ong lấy mật không quá khó, anh mạnh dạn tới Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Văn để được hỗ trợ vốn, mở rộng quy mô đàn.
“Cầm tiền trong tay, tôi quyết tâm phải nuôi ong thành công. Do vậy, tôi chọn mua đàn ong tốt, khỏe mạnh, làm chuồng cẩn thận. Cái khó nhất khi nuôi ong ở đây là mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp, thậm chí còn xuất hiện băng giá nên ong rất dễ nhiễm lạnh và chết. Nhưng cũng có thuận lợi bởi mật ong dễ tiêu thụ, giá bán ổn định. Đặc biệt là ong của gia đình tôi nuôi hoàn toàn thủ công, không hề cho ăn đường nên chất lượng mật luôn đảm bảo, được khách hàng ưa chuộng”, Phùa cho biết. Một góc xã Phố Cáo
Từ 20 đàn ong ban đầu, Phùa nhân lên 50 đàn, rồi 100 đàn, với giá bán tại chỗ 200.000 đồng/lít mật, gia đình thu về vài chục triệu đồng/năm. Song thành công của Phùa không dừng lại ở đó, bởi từ mô hình của anh, phong trào nuôi ong mật đã phát triển mạnh ở Phố Cáo. Để nghề nuôi ong phát triển ổn định, Phùa đứng ra thành lập Câu lạc bộ nuôi ong do chính anh làm chủ nhiệm. Tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet lần thứ 10 được tổ chức cuối năm 2010, anh đã mang 100 chai mật ong của câu lạc bộ về tận Hà Nội để giới thiệu sản phẩm và bán hết veo.
Chủ tịch Hội năng động
Vừa làm giàu cho gia đình, Phùa vừa cùng cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp các hộ nghèo tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế, xóa nhà tạm, nâng cao đời sống. Đặc biệt là sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài năm 2008, nhiều hộ nghèo trong xã lao đao vì trâu, bò bị chết rét, Phùa đã đứng ra bảo lãnh cho một số hộ được vay vốn ngân hàng để khôi phục đàn gia súc.
Chưa hết, được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ vốn thực hiện dự án Giúp người nghèo cách thức làm ăn, Phùa đã bàn với các trưởng thôn trong xã giúp bà con tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, cụ thể là nuôi bò và dê sinh sản. Với số bò và dê giống do dự án hỗ trợ, Phùa cùng cán bộ Hội chọn 45 hộ có kinh nghiệm chăn nuôi để triển khai thực hiện, sau 2 năm nuôi, chủ hộ sẽ giữ lại số bê và dê mới sinh, còn bò và dê bố mẹ luân chuyển cho hộ khác. Trong quá trình thực hiện, Phùa đều theo sát dự án, thường xuyên đến từng gia đình để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn thả, chăm sóc bò và dê. Vì thế mà sau một thời gian triển khai dự án, phong trào chăn nuôi gia súc của xã phát triển khá ổn định.
“Bây giờ bà con ở Phố Cáo đã có của ăn của đồ, biết bảo vệ đàn trâu, bò trong mùa đông, nhiều gia đình mua sắm được ti vi, xe máy, con cái được học hành. Trong kết quả đó có sự hỗ trợ vốn kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì thế, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ thiết thực cho những hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất”, Phùa bày tỏ.