00:00 Số lượt truy cập: 2661781

Trồng hoa bằng công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016
Những người yêu thích hoa, cây cảnh TP Ðà Lạt hầu như ai cũng biết tiếng Phan Thanh Sang (trong ảnh) với khả năng nhân giống, lai tạo và kinh doanh hoa lan, xương rồng. Ðến Vườn lan của Sang, người xem như bị cuốn hút bởi hàng trăm loài phong lan Việt Nam và các loại lan ngoại khác.

Bên cạnh khóm Trúc lan Den hancocki thân đen nhánh to lớn khoảng một người ôm là những khóm Trúc mành Den falconeri thân nhỏ như sợi chỉ gai, những cụm Hoàng thảo Thái bình Den moschatum cao ngang đầu người.

Với Phan Thanh Sang, niềm đam mê hoa lan đã thể hiện từ bé. Anh bắt đầu ươm trồng lan khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Bố của Sang kể lại, gia đình làm nghề trồng rau, công việc rất nhiều, nhưng hễ có thời gian rỗi Sang lại chúi đầu vào mấy giò lan. Hồi đầu, vì không có kỹ thuật nên lan hư nhiều. Nhiều chậu lan trồng cả năm vẫn không ra hoa. Sang phải tự mày mò tìm hiểu qua in-tơ-nét, sách vở, học hỏi từ những người có kinh nghiệm chơi lan lâu năm. Nhiều đêm Sang thức trắng lúi húi bên máy tính chỉ để tìm hiểu về một căn bệnh nhỏ của loài hoa này. Dần dần, vườn lan của Sang lên đến hàng trăm chậu với các chủng loại, kiểu hoa khác nhau. Chính niềm đam mê ấy đã khiến Sang quyết tâm dự thi vào khoa Nông Lâm, Trường đại học Ðà Lạt với ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Luận văn tốt nghiệp "Phương pháp xử lý một số loại giá thể để trồng lan" của Sang sau bốn năm học không chỉ là kết quả của lòng đam mê, mà còn giúp cho nông dân Ðà Lạt trong việc tránh nấm bệnh cho phong lan, địa lan rất hiệu quả.

Với vốn kiến thức qua thời gian học tập nghiên cứu ở trường, cùng với kinh nghiệm thực tế khá dày dặn, năm 2007, Sang mạnh dạn dùng tiền thu được từ việc kinh doanh hoa để đầu tư phòng thí nghiệm hàng trăm triệu đồng với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Sang đã nghiên cứu và lai tạo nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng của xứ lạnh Ðà Lạt. Ðặc biệt, Sang thành công trong việc lai tạo nhiều loại lan quý hiếm của Việt Nam và một số nước...  Không chỉ quan tâm đến việc bán các mặt hàng, Sang tăng cường trao đổi cùng bạn hàng các tỉnh sưu tầm những giống lan trong và ngoài nước từ đó lai tạo, ươm giống để cho ra đời những rọ lan hoàn toàn mới phù hợp thổ nhưỡng Ðà Lạt nhằm mục đích chinh phục khách hàng và phục vụ công tác bảo tồn, lưu trữ các giống lan. Hiện, Sang đang phối hợp cùng với Viện Sinh học Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án khôi phục bảo tồn lan Hài (trong đó có các loại quý hiếm như lan Hài hồng, Hài hằng và Hài bóng) thông qua việc phối hợp cung cấp quả lan Hài cho Viện Sinh học Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại Sang có một vườn lan diện tích khoảng 2.000 m2 và một cửa hàng bán hoa lan tại ngay phố chợ hoa mang tên của mình. Bước vào trong vườn lan người ta thấy vài nghìn cây lan Hài với nhiều chủng loại khác nhau. Qua trao đổi, nhân giống vườn lan của Sang đã có ba dàn lan với hơn 30 nghìn gốc lan, trong đó có những loài lan hết sức quý hiếm đã được nghiên cứu, bảo tồn như: Hài Phaphippedilum, Hài hồng, Hài hằng, Trúc lan... Những giống lan, nếu chuyển giao, có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.  Ngoài ra còn có những cây Den sulcatum, Den suzuki mà các khoa học gia ngoại quốc vẫn chưa tin rằng, có mọc tại Việt Nam.

Nhờ không ngừng chủ động áp dụng kỹ thuật trồng hoa bằng công nghệ cao, tạo ra những giống mới chủ lực, sản phẩm lan của Sang luôn có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Mỗi năm, vườn lan và cửa hàng đã đem lại lợi nhuận cho Sang hàng trăm triệu đồng. Ðược hỏi về bí quyết giúp anh thành công, Sang cho biết: "Luôn nuôi dưỡng sự đam mê cho riêng mình, và biết cách lấy ngắn nuôi dài". Hiện, Sang đang theo học lớp Quản trị kinh doanh để nuôi ước mơ thành lập Công ty Lan mang tên mình.