00:00 Số lượt truy cập: 3228968

Trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Nguyễn Văn Quýt ở ấp Bình Đông xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre là một trong những nhà vườn ở tỉnh thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Cây mãng cầu xiêm hiện đang được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh với cách chăm sóc tương đối đơn giản, ít sâu bệnh, cây có thể phát triển được cả vùng nước ngọt lẫn nước lợ. Năm 2003 anh Nguyễn Văn Quýt đã mạnh dạn chuyển 5 công đất vườn sang trồng mãnh cầu xiêm, nhờ sáng tạo trong mô hình trồng trọt nên anh Quýt đã thành công rất cao trên vườn mãng cầu xiêm nhà mình. Ban đầu do chưa hiểu biết về kĩ thuật và lo ngại về đầu ra cho sản phẩm nên anh quýt chỉ phát triển 1 công đất trồng mãng cầu xiêm vụ đầu. Khoảng 3 năm là cây bắt đầu cho trái, thấy được hiệu quả mang lại lợi nhuận khá cao nên anh đã tiếp tục đầu tư thêm 4 công đất chọn cây mãng cầu xiêm làm kinh tế chính cho gia đình. Đến nay, từ 5 công mãng cầu xiêm anh Quýt thu hoạch mỗi năm trung bình khoảng 15 tấn trái với giá bán hiện tại từ 14 đến 15 ngàn đồng/kg sau khi trừ đi chi phí chăm sóc gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Giá bán được nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán tăng lên từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg so với ngày thường nhờ vậy người dân có lãi cao hơn.

Nói về cách chăm sóc và biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây mãng cầu xiêm, anh Nguyễn Văn Quýt chia sẻ kinh nghiệm: “Đây là loại cây dễ trồng không cần mua giống người dân có thể tự ương là trồng được, cũng không phải chiếc ghép như các loại cây trồng khác. Mỗi năm tôi chỉ bón 4 lần phân chủ yếu là phân lân. Để cây phát triển tốt và cho nhiều trái nên trồng cây cách khoảng từ 3 đến 4 m/cây tạo khoảng trống cho cây ra tán tăng khả năng cho trái và đạt năng suất cao hơn”. Bệnh nguy hại trên cây mãng cầu xiêm thường thấy là loài rệp sáp. Khi rệp sáp bám vào trái làm cho trái không lớn được và rất dễ bị hư thối, sau một thời gian sẽ làm trái rụng, giảm năng suất cho cây.  Để phòng trừ rệp sáp tấn công, khi cây bắt đầu cho trái anh Quýt đã thường xuyên phun thuốc loại trừ loài côn trùng nguy hại này. Đến khi trái đạt trọng lượng bình quân khoảng 1kg vỏ bắt đầu bóng lúc ấy rệp sáp không còn bám được nữa trái bắt đầu nở gai và phát triển đến thu hoạch.

Để đạt hiệu quả và năng suất cao người dân đã áp dụng phương pháp thụ phấn cho bông đậu trái chất lượng hơn. Mãng cầu xiêm được thụ phấn nhân tạo sẽ cho trái rất sai chất lượng trái to, bóng vỏ trọng lượng bình quân từ 2 đến 3kg/trái đôi khi có thể lên đến 5 kg/trái. Bên cạnh đó người dân còn hái bỏ những trái thụ phấn tự nhiên và tỉa bớt  những trái sai trên nhiều cành để tạo cho trái được phát triển tốt. Mãng cầu xiêm trồng khi thu hoạch vụ đầu bước sang năm thứ tư trở đi năng suất ổn định và tăng cao theo từng năm.
Từ thực tiễn làm giàu từ mô hình trồng mãng cầu xiêm của anh Nguyễn Văn Quýt hiện đã có nhiều hộ nông dân ở địa phương đến tham quan và phát triển loại cây trồng này.