00:00 Số lượt truy cập: 2658349

Trữ thóc giống dưới lòng sông 

Được đăng : 03/11/2016
Với sáng kiến trữ thóc giống dưới lòng sông, ông Nguyễn Thiện Tâm, 47 tuổi, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn - An Giang, có thể giữ thóc tới 3 năm mà độ nảy mầm vẫn đạt tới gần 99%.

Lâu nay người dân ở ĐBSCL thường trữ thóc giống trong bao, để bên hiên nhà chờ đến vụ đem đi ngâm ủ. Song, kiểu trữ thóc này khó tránh khỏi tác động của nhiệt độ và xâm nhập của mối, mọt làm thóc không đạt độ nảy nầm theo ý muốn.

Ông Tâm cho biết, qua thời gian làm nghề cung cấp thóc giống cho nông dân, ông nhận ra việc trữ thóc giống trong kho bãi không hề đơn giản. Việc này vừa tốn tiền mua mặt bằng, cất kho trữ, thuê nhân công đem vào kho cất giữ, phải xử lý thuốc chống mối mọt, giữ nhiệt độ trong kho luôn ổn định. Chi phí tốn kém như vậy, song thời gian tối đa bảo quản thóc giống chỉ được từ 8 - 12 tháng.

Cách đây 3 năm, ông tình cờ thấy những hạt lúa cỏ bị ngâm nước lũ tới 3 tháng, song khi được đem lên bờ thì chỉ sau 1 tuần đã nảy mầm, phát triển tươi tốt. Từ quan sát trên, ông thử nghiệm đưa lúa giống ngâm trữ dưới nước bằng hệ thống bao chống ngấm, Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, ông mua loại túi bao ni-lon loại lớn (giống các loại bao đựng phân bón), giữ lúa dưới dòng sông khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, với kiểu trữ này, chỉ khoảng 60% thóc giống nảy mầm.

Không chịu thua, ông tìm mua loại túi ni-lon loại PE dày khoảng 2mm, cho lúa vào túi hút hết chân không làm bằng hệ thống máy hút ép chân không, dập miệng bao. Với kiểu bọc này, thóc giống ngâm dưới nước gần 3 năm mà vẫn nảy mầm tới 95 - 99%.

Từ thực nghiệm thành công này, ông Tâm có thêm sáng kiến cho các bao thóc được hút hết chân không vào các thùng sắt bề ngang 1m, cao 1m. Mỗi thùng như vậy có thể chứa 1 - 1,2 tấn thóc giống. Hiện nay ông Tâm đang thuê người đào một hầm khoảng 500m2, sâu gần 8m có thể trữ hàng trăm tấn thóc giống. “Thóc giống khi đóng vào thùng sắt được nhấn chìm trong nước càng sâu càng tốt, khi lấy thóc lên đem đi gieo sạ, độ nẩy mầm đạt rất cao. Tốt nhất ngâm trữ thóc dưới nước với độ sâu từ 4 - 5m, với cách làm này có thể trữ thóc lâu 48 tháng và không bị thấm nước”, ông Tâm nói.

TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng viện lúa ĐBSCL nhận xét về cách giữ thóc giống của ông Tâm: Đây là cách làm hay khiến thóc giống không bị tác động của môi trường, giúp hạt có độ nảy mầm tốt. Có thể hoàn thiện cách trữ giống này để phổ biến rộng rãi cho nông dân.