Mảnh đất Đại Đồng nằm cách trung tâm xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 5km là một xã nghèo. Cái đầm hơn 10ha nằm bên con sông Mỹ Dương đổ một phía về biển là nguồn sống duy nhất cho người dân kiếm từng con cua, con ốc. Rồi cái đầm bỏ hoang vì chả có ai tìm được cái ăn nữa. Thế rồi có nhiều buổi trưa nắng, ông nông dân Phạm Văn Tường cứ lẩn ra cái đầm nhìn ngó. Cả thôn cứ nghĩ “cái lão đau dạ dày dở hơi”. Ông muốn biến nó thành đầm tôm. Thế rồi ước mơ của ông tan biến khi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Nghệ An bảo bệnh dạ dày của ông không nên điều trị làm gì, nên đưa về nhà càng sớm càng tốt.
Ba năm điều trị, mảnh đất hương hỏa cũng phải bán tống bán tháo. Bốn đứa con với người vợ hằng ngày ra biển bắt con nghêu con sò. “Nhiều lúc muốn cắn lưỡi cho xong chuyện nhưng thấy vợ con động viên nên cố sống” - ông Tường tâm sự.
Ba năm bệnh đã cướp đi hai mảnh vườn bé nhỏ và 12 triệu đồng vay mượn từ ngân hàng, làng xóm... Tháng 6-2000, khi vợ con ông đang mò cá ngoài biển thì nhận được tin xấu. Vừa về đến nhà thấy mọi người vây quanh, tưởng rằng người chồng, người cha đã về thế giới bên kia. Nào ngờ có người phát hiện ông còn thở. Một lần nữa người vợ Ngô Thị Lý quyết tâm đưa chồng ra Hà Nội. Thế là hơn một tháng chạy vạy được 3 triệu đồng, hai vợ chồng khăn gói lên đường ra Hà Nội. Cũng lại cái lắc đầu ái ngại nên đưa về càng sớm càng tốt.
Xuất viện về, ông gọi cả nhà đến ngồi bên giường mình để bàn kế hoạch mà mình đã ấp ủ từ lâu. “Các con cố gắng thay bố đắp cho bằng được con đê ngăn sóng dài 2km trong bốn tháng này. Nếu chết bố cũng phải cùng các con làm bằng được con đê rồi bố mới đi”.
Hơn một năm trời, sáu con người quần quật bất kể mưa nắng hay dông bão. Khi chỉ còn 300m nữa là xong thì cũng là lúc cơn bão số 5 năm 2003 tràn vào Hà Tĩnh. Hai con sóng cao hơn 4m đã xóa tan tành công sức của gia đình hai năm qua.
Số tiền nợ lên tới gần 1 tỉ đồng nhưng ông Tường vẫn không nản. Quyết là làm, ngay ngày hôm sau ông tiếp tục lên quĩ tín dụng và quĩ hỗ trợ cùng đi cầu cứu gia đình, anh em, bạn bè.
Rồi cái đầm cũng hoàn thành và kế đó là những trận thua lỗ do tôm chết. Tưởng chừng như bỏ cuộc vì số nợ đã quá lớn. Năm 2005 ông thay đổi giống nuôi tôm chân trắng. Cái quyết định cuối cùng này lại chính là con đường sống. Trong hai năm liền những vụ trúng tôm liên tiếp khiến ông ngây ngất. Số nợ 2,3 tỉ đồng được xóa sạch. Hiện có 15 người trong thôn làm việc thường xuyên cho ông với mức lương tháng 1,5 - 2 triệu đồng.
Giờ đây ông Tường chẳng những không chết mà còn giàu có. Hỏi ông nghĩ gì về cuộc đời mình, ông nói gọn gàng: “Đã làm thì phải quyết liệt. Bế tắc nào cũng có giải pháp”.