00:00 Số lượt truy cập: 2678788

Tuyên Quang phát triển rừng theo hướng hiệu quả, bền vững 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều năm qua, Tuyên Quang thực hiện chủ trương bảo vệ rừng, làm giàu vốn rừng, gắn với phát triển lâm sản hàng hóa tập trung trên quy mô sản xuất lớn. Nhờ đó, lao động nghề rừng có thêm việc làm, tăng thu nhập, mức sống ngày càng cải thiện, yên tâm gắn bó với rừng. Phát triển kinh tế rừng còn làm cho cảnh quan, môi trường sinh thái của Tuyên Quang được cải thiện.

Nằm ở trung tâm vùng trung du, miền núi phía bắc, Tuyên Quang có tài nguyên rừng khá lớn. Trong tổng số diện tích đất đai tự nhiên hơn 1.839,6 km2 thì rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 70%. Phần lớn số dân của tỉnh định cư ở các thôn, bản có tập quán truyền thống sinh sống bằng nghề làm rừng. Ðể khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết lần thứ 7 (khóa X) của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian gần đây các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành liên quan và đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã đồng thuận và thực hiện khá bài bản nhiệm vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Bước đầu thu được những kết quả rất ấn tượng.

Chi cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Minh cho chúng tôi biết: Ba năm 2006-2008, trên địa bàn tỉnh, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có được bảo vệ tốt. Số lượt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được bảo vệ lên tới hơn nửa triệu ha, lớn nhất từ trước đến nay và đạt hơn 60,16%; rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh đạt hơn 61,6% so với mục tiêu kế hoạch năm năm 2006-2010; trồng rừng mới (bao gồm rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất) đạt tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và tăng 16% so với mức bình quân của năm năm trước (2001-2005). Diện tích rừng chăm sóc đã vượt 70% so với mức kế hoạch Nhà nước giao cho tỉnh. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng đi đôi với các biện pháp làm giàu vốn rừng cho nên tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn đã vượt ngưỡng 60% vào năm 2005, tăng lên gần 62% hiện nay. Tuyên Quang trở thành tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất vùng miền núi phía bắc và đứng thứ ba trong số các địa phương có rừng của cả nước (sau Kon Tum và Quảng Bình).

Nhờ độ che phủ của rừng và chất lượng rừng ngày càng tăng, hai, ba năm gần đây, về mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ít hoặc chưa thấy xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét. Mùa khô, những con lạch, khe suối nằm ở các sườn núi Trạm Chu, Tam Ðảo hay vùng thượng nguồn sông Lô, sông Gâm lúc nào cũng có nước chảy, cho thấy khả năng sinh thủy và chức năng phòng hộ, bảo vệ môi sinh của rừng được khôi phục và cải thiện. Về hiệu quả kinh tế, cứ trồng một ha rừng nguyên liệu giấy sau mười năm cho năng suất trung bình khoảng 80-90 m3 gỗ. Cá biệt có những lô rừng thâm canh, năng suất đã lên tới hơn 150 m3/ha. Trên địa bàn tỉnh, nếu trước đây chỉ có một doanh nghiệp nhà nước "độc quyền" mua gỗ nguyên liệu, nay đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia thị trường tiêu thụ gỗ, với giá mua tăng dần từ 320 đến 350 nghìn đồng trước đây và nay lên hơn 500 nghìn đồng/m3. Một số chủ trang trại và hộ dân ở hai xã Phú Lâm (huyện Yên Sơn), Yên Phú (huyện Hàm Yên) cho chúng tôi biết: Sau khi trừ các khoản đầu tư cho sản xuất, trồng rừng nguyên liệu giấy cho thu nhập ít nhất vào khoảng 4,2-4,5 triệu đồng, nhiều là hơn 5 triệu đồng/ha, tăng gấp rưỡi hoặc gần hai lần so với những năm đầu của thập niên này.

Từ lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường sinh thái của rừng đã làm thay đổi tập quán của đồng bào các dân tộc sống chung với rừng, sinh sống bằng nghề rừng. Ðồng chí Ðỗ Văn Chiến, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, tâm sự với chúng tôi: Thời kỳ trước năm 2005, các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ngành liên quan còn phải áp dụng biện pháp hành chính "ép" người dân tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng. Nay, bằng cơ chế khoán mới hoặc thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, v.v. các tổ chức, hộ gia đình đã tự nguyện, hăng hái tham gia bảo vệ rừng, làm giàu vốn rừng. Lợi ích của người làm nghề rừng đã tăng lên đáng kể và được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Ðây là điều kiện thuận lợi để Tuyên Quang triển khai, thực hiện các giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế rừng theo hướng xã hội hóa đạt hiệu quả bền vững.

Tuyên Quang đã thành công bước đầu việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm mục đích làm cho lao động nghề rừng, cũng như toàn xã hội hiểu biết rõ vị trí, vai trò, chức năng của rừng và các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và địa phương về việc bảo vệ rừng, phát triển rừng. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân và các thành phần xã hội trên địa bàn đối với sự nghiệp bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng.

Theo đó, Tuyên Quang đã đi trước một bước và sớm hoàn thành công việc rà soát quy hoạch phân ba loại rừng. Trong tổng số diện tích đất lâm nghiệp hiện có, cơ cấu giữa các loại rừng được điều chỉnh theo tỷ lệ, rừng đặc dụng chiếm 11%, giảm 7%; phòng hộ chiếm 31%, giảm 24,8% và rừng sản xuất chiếm 58%, tăng 37,8% so với cơ cấu đến năm 2005. Tuyên Quang cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc lập bản đồ và xác định ranh giới giữa ba loại rừng trên bản đồ, kết hợp cắm mốc ranh giới ngoài thực địa; lập hồ sơ về quy hoạch, mốc giới và bàn giao cho các thôn, bản, xã, huyện và được thông báo công khai đến mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn, từng đơn vị có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với diện tích rừng thuộc địa bàn. Nếu để xảy ra hiện tượng khai thác, phá rừng trái phép, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích... trước hết lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuyên Quang cũng hoàn thành việc quy hoạch vùng rừng sản xuất cho năm cơ sở chế biến công nghiệp với quy mô diện tích tập trung chuyên canh lên tới hàng trăm nghìn ha, gắn với việc thực hiện các dự án giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp; giao rừng, cho thuê rừng sản xuất ổn định, lâu dài cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản theo quy định của pháp luật. Riêng Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa (Tuyên Quang), được tỉnh giao 163.358 ha đất lâm nghiệp và rừng sản xuất trên địa bàn 105 xã thuộc bốn huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã giao 31.069 ha đất lâm nghiệp gắn với cấp GCNQSDÐ cho gần 26 nghìn hộ dân; giao và cho một số doanh nghiệp thuê hơn 1.500 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, các ngành, các huyện phối hợp tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính được hơn 333 nghìn ha trên địa bàn 97 xã trong tỉnh, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ giao khoảng hơn 42 nghìn ha cho hơn 25 nghìn hộ khác để đầu tư vốn trồng rừng sản xuất.

Giao đất, giao rừng kết hợp chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã làm xuất hiện một số mô hình chuyển đổi từ nghề làm ruộng sang nghề trồng rừng theo hướng chuyên môn hóa. Trang trại trồng rừng nguyên liệu giấy của ông Nguyễn Tiến Bình, ở xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn là một điển hình. Lên thăm trại rừng rộng hơn 16 ha tại vùng sâu, vùng xa của xã (người Phú Lâm gọi là vùng đèo heo hút gió), ông Bình cho chúng tôi biết, gia đình  đã chuyển đổi hết 7 sào ruộng (loại ruộng cấy hai vụ lúa ăn chắc/năm), bán bảy cặp trâu, bò và một số tài sản khác để lấy vốn đầu tư khai hoang, mở đất trồng rừng nguyên liệu giấy. Tuy chưa đến thời kỳ khai thác, bằng hình thức tỉa thưa, mỗi năm trang trại cho thu hoạch vài ba chục tấn luồng, ngoài ra còn kết hợp bán sản phẩm chăn nuôi và thủy sản... trị giá lên tới 40-50 triệu đồng/năm. Nhờ vậy đã thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu. Ông Bình khẳng định: Từ khi bỏ ruộng lên đồi, lập trại rừng sản xuất nguyên liệu giấy, cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên.

Ngược lên xã Yên Phú thuộc vùng cao huyện Hàm Yên gặp chủ trang trại Dương Cao Long lại có cách làm khác. Bằng vốn tự có, năm 1997, ông Long kết hợp Ban quản lý nông, lâm nghiệp huyện nhận 90 ha trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc theo Chương trình trồng rừng 327. Từ năm 2000 đến nay, ông Long tiếp tục đầu tư, khai hoang, trồng thêm  hơn 50 ha rừng nguyên liệu giấy. Cùng với đầu tư vốn trồng rừng, được phép của ngành kiểm lâm, ông  còn chăn nuôi một số động vật rừng như nhím, hươu, nai, chim công... mỗi năm thu nhập 300-500 triệu đồng. Nhân dân xã Yên Phú gọi ông là "tỷ phú" vùng sơn cước này. Gia đình ông Long đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất giỏi cấp Nhà nước và được đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến về nông dân sản xuất giỏi của tỉnh và của T.Ư. Từ mô hình trên, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển trang trại trồng rừng trên diện tích chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất theo quy hoạch, với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, phát triển kinh tế rừng theo hướng nông, lâm kết hợp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Mặt khác, tỉnh đã chỉ đạo các công ty lâm nghiệp trên địa bàn mở rộng hình thức liên doanh các hộ là cán bộ, công nhân nhà nước, các hộ dân trên địa bàn cùng góp vốn tham gia trồng rừng và hưởng lợi theo tỷ lệ vốn góp.

Cùng với phát triển kinh tế rừng, nhằm bảo vệ rừng tận gốc, quản lý lâm sản tại cơ sở chế biến, Tuyên Quang đã sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý lâm nghiệp từ tỉnh đến các huyện, xã. Thành lập các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Ban quản lý dự án 661 cơ sở; đưa lực lượng kiểm lâm về cơ sở, thành lập đội kiểm lâm cơ động để quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra các chủ rừng cũng tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, để bảo vệ những thành quả do phát triển rừng mang lại.