00:00 Số lượt truy cập: 2676612

Tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn là đề tài phong phú, hấp dẫn trên Báo Phú Thọ 

Được đăng : 03/11/2016

Phú Thọ là tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 3.530km2, dân số trên 1,33 triệu người gồm 21 dân tộc sinh sống ở 275 xã, phường, thị trấn.


Mặc dù đã được Trung ương chọn để xây dựng khu công nghiệp từ những năm 1960 nhưng đến nay Phú Thọ vẫn là tỉnh nông nghiệp. Điều đó thể hiện là địa phương có gần 80% dân số sinh sống ở nông thôn, trên 60% số người nguồn sống chính từ sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm gần 1/3 giá trị sản phẩm trên địa bàn. Từ một vài số liệu trên cho thấy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc cần phải được thường xuyên quan tâm đầu tư, giải quyết của các cấp ủy, chính quyền, trong đó có trách nhiệm tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng. Về dự Hội thảo Báo Đảng, các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2008 do Báo Hải Dương đăng cai, Báo Phú Thọ rất tán đồng với chủ đề của Hội thảo và đề dẫn của Ban tổ chức, chúng tôi xin nêu ý kiến về Báo Đảng, địa phương tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Nhìn lại lịch sử mấy chục năm qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng, nhà nước ta có rất nhiều nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội nông nghiệp, nông thôn. Ở tỉnh Phú Thọ, đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương. Chỉ tính từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã 4 lần ra NQ, có nhiều chủ trương chính sách về nông nghiệp và từng lĩnh vực cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình thay đổi tư duy, tập trung khai thác tiềm năng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo khuyến khích nông dân thay đổi tập quán cũ, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ những tiềm năng sẵn có, tỉnh đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản thành 6 chương trình trọng điểm. Đó là các chương trình: Đảm bảo an ninh lương thực; chăn nuôi lợn, bò; phát triển chè và cây ăn quả; phát triển thủy sản; phát triển lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Trong mỗi chương trình, tỉnh đều xây dựng kế hoạch, có chính sách khuyến khích phát triển, chính sách hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ đưa giống mới vào sản xuất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Đơn cử như chương trình an ninh lương thực, khởi đầu tỉnh có chính sách trợ giá nhập giống lúa lai, ngô lai, hình thành cơ chế chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn lực cho nông thôn. Cụ thể, năm 1999 hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, năm 2003 hoàn thành mục tiêu 100% các xã có điện lưới, điện thoại. Đồng hành với đó tỉnh có chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, mỗi năm huy động hàng trăm tỷ đồng đầu tư. Năm 2005 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập THCS, hiện nay hình thành mạng lưới 5 -7 xã có một trường THPT. Bên cạnh đó còn có nhiều chính sách khác về phát triển văn hóa, y tế, TDTT được ưu tiên cho nông thôn.

Trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, quan điểm của tỉnh là tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để tăng trưởng, phát triển nhanh kinh tế, từng bước tạo sự chuyển biến trong nội bộ ngành theo hướng phát triển hàng hóa trong các lĩnh vực có ưu thế như chè, chăn nuôi gia súc, thủy sản, lâm nghiệp. Hàng năm tỉnh đều rà soát, điều chỉnh chính sách khuyến khích cho phù hợp với năng lực, lợi thế từng lĩnh vực. Do vậy, với sự chỉ đạo đồng bộ liên tục từ năm 2000 trở lại đây đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế nói chung, nông lâm nghiệp nói riêng ở mức cao, ổn định, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, hàng năm tỉnh đạt mức tăng trưởng từ 8 -10%, trong đó nông - lâm nghiệp tăng ổn định từ 3 - 5%; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản giảm tỷ trọng trong cơ cấu GDP từ 35 - 36% giai đoạn 2001 - 2002 xuống dưới 30% năm 2005 và còn gần 27% năm 2008. Trong đó nhiều địa phương đã giảm tỷ trọng từ 70 - 80% xuống còn 50%. Nội bộ ngành cơ cấu thay đổi rất tích cực, theo đó giá trị các ngành trồng trọt (lúa, ngô) có xu hướng giảm, các cây trồng khác như chè, rau, đậu tăng mạnh. Lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản trước đây chiếm tỷ trọng từ 5 -10% giá trị đến nay đã tăng 10 - 20% cơ cấu toàn ngành. Mười năm trước khi tái lập, Phú Thọ mới đạt mức bình quân lương thực đầu người 270kg nay đã ổn định 350kg/năm; nâng độ che phủ rừng từ 31% lên xấp xỉ 50%, giảm lao động nông - lâm nghiệp từ 80% năm 2000 xuống dưới 65% năm 2007, tăng quỹ thời gian lao động nông thôn từ 75% lên 80%, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo dưới 25%... Tạo sự thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ, nhiều năm qua Báo Phú Thọ luôn phấn đấu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thông tin tạo sự hấp dẫn để trở thành công cụ tuyên truyền của Đảng, là diễn đàn quan trọng của mọi đối tượng bạn đọc. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Báo Phú Thọ xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực trọng yếu, trong đó có nội dung tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do đó, tòa soạn hình thành tổ phóng viên kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, nông dân đất Tổ để ra trang chuyên đề theo định kỳ. Ngoài ra các số báo đều dành dung lượng đáng kể cho mảng đề tài nông lâm nghiệp, thủy sản. Hàng tháng giữa tòa soạn và lãnh đạo ngành nông nghiệp - PTNT có thông tin trao đổi để định hướng tuyên truyền. Trên cơ sở chủ trương của tỉnh, ngành, Báo xây dựng kế hoạch, phân công phóng viên đi sâu giới thiệu các điển hình tiên tiến, mô hình thực hiện tốt việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm tăng giá trị hiệu quả sản xuất ở các ngành, nghề, địa phương. Trong đó có rất nhiều bài biết về mô hình sản xuất ngô đông, cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản... được đánh giá cao, mô hình được nhân rộng. Cùng với giới thiệu các mô hình sản xuất, báo chú ý phản ánh tình hình đời sống nông thôn qua các phong trào; xây dựng thể chế, kết cấu hạ tầng trong nông thôn góp phần định hướng dư luận ủng hộ cách làm hay, điển hình tiên tiến.

Thời gian qua, Báo Phú Thọ đã có nhiều đổi mới cả nội dung và hình thức tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân song so với yêu cầu phát triển và tiềm năng từ mảng đề tài đem lại, thời gian tới cần tập trung đi sâu hơn nữa. Như NQ lần thứ 7 BCH TƯ khóa X khẳng định: Nông nghiệp - nông thôn - nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Báo xác định nhiệm vụ tuyên truyền về lĩnh vực này là đề tài phong phú, đa dạng, lâu dài, thường xuyên, trong đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cần được chú trọng. Ở đó người cầm bút có điều kiện cùng với người nông dân tư duy, thể hiện những cách làm hay, giải những bài toán khó nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn... Để thể hiện quan điểm đó, theo chúng tôi Báo cần làm tốt một số nhiệm vụ.

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương định hướng của Trung ương, của địa phương về phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân; trước mắt là NQ 7 của BCH TƯ khóa X mới ban hành để người làm báo nắm rõ định hướng, đi sâu nghiên cứu, thể hiện bằng tác phẩm báo chí chân thực đúng, trúng.

- Trên cơ sở các chương trình kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn trọng điểm của địa phương, Báo phải có kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, phóng viên có năng lực, nhiệt huyết đi sâu nghiên cứu giới thiệu những cách làm hay, điển hình tốt trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời mạnh dạn phê phán những tiêu cực, bảo thủ, trì trệ để định hướng dư luận, giúp cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo phát triển đúng hướng. Muốn vậy Báo cần nâng cao nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành cho lực lượng phóng viên, đồng thời phải huy động tốt đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà quản lý cùng tham gia viết bài đánh giá, phân tích một cách khoa học, thực tiễn và hiệu quả của nó, giúp cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân có cách làm, bước đi đúng, hiệu quả cao.

Đề tài nông nghiệp - nông thôn - nông dân là mảnh đất phong phú, ở đó người cầm bút có thể phát huy hết sở trường, thể hiện những tác phẩm hay. Qua ý kiến trao đổi của lãnh đạo các cơ quan báo chí, đồng nghiệp, Báo Phú Thọ càng thấy rõ trách nhiệm và khả năng để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.