Với mô hình trang trại chăn nuôi thủy sản cao cấp, người thanh niên 24 tuổi Bùi Đăng Đa, chủ trang trại thủy sản núi Hằng, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã vinh dự là một trong 100 thanh niên trẻ ở miền Bắc nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 6 vừa qua.
Ảnh: Chinhphu.vn
Đến trang trại núi Hằng của Bùi Đăng Đa, ít ai nghĩ rằng thanh niên này lại có một cơ ngơi với trang trại nuôi thủy sản cao cấp như cá sấu, ba ba, ếch, cầy nhung đen… có diện tích hơn 4.000 m2, doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng, lãi cho về 150 - 200 triệu/năm.
Chỉ với 2 năm, Bùi Đăng Đa đã trở thành doanh nhân trẻ tiêu biểu làm giàu ngay trên quê hương mình.
Tốt nghiệp cấp 3, Bùi Đăng Đa thực hiện nghĩa vụ quân sự và sau hai năm, anh xuất ngũ trở về địa phương. “Lúc này trong tay tôi không có gì giắt lưng lập nghiệp. Nhiều người khuyên tôi đi học lại tiếp lên Đại học, hay học nghề gì đó nhưng tôi nghĩ sẽ tự xây dựng một cơ ngơi riêng bằng chính bàn tay của mình”, Bùi Đăng Đa chia sẻ.
Ý tưởng mở trang trại chăn nuôi được nảy sinh khi anh xem một số chương trình ti-vi có những tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ nuôi một số loại thủy sản cao cấp cho hiệu quả kinh tế cao.
Ý tưởng đó được anh chia sẻ với gia đình nhưng với cậu thanh niên trẻ như anh, nhiều người cho đó là quá xa vời. Bùi Đăng Đa vẫn quyết tâm vay vốn anh em bạn bè, xin bố mẹ cầm cuốn sổ đỏ vay vốn ngân hàng chính sách huyện.
Năm 2005, anh bắt đầu thí điểm mô hình nuôi ếch. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, ngay năm đó mô hình của chàng trai này 2 lần gặp thất bại.
Nhưng không vì lời ra tiếng vào của người thân và làng xóm cũng như số nợ ngày càng lớn mà Bùi Đăng Đa nản chí.
“Thất bại là mẹ của thành công, tôi đã mất 90 triệu đồng để có bài học cho mình thì cớ sao khi đã có được những kinh nghiệm làm ăn tôi lại từ bỏ. Làm kinh tế không thể thành công ngay được, nhất là với những thanh niên trẻ thì kiên trì lại là yếu tố quan trọng, bên cạnh sự may mắn”, anh Bùi Đăng Đa cho biết.
Ảnh: Chinhphu.vn
Với lần thứ 3 này, Bùi Đăng Đa đã thành công. Sau 3 tháng, dù lứa ếch đầu tiên anh thu lãi chỉ gần 50 triệu đồng nhưng đó là sự động viên để anh thêm niềm tin tiếp tục phát triển mô hình trang trại.
Anh tiếp tục học hỏi nuôi kết hợp thêm các loại đặc sản khác như cá sấu, ba ba, cầy nhung đen… Vừa làm thương phẩm vừa nuôi con giống cho chính trang trại mình và cho các vùng lân cận.
Hiện tại, trang trại của anh có 200 con cá sấu thương phẩm, 300 con cá sấu giống; 3 vạn con ba ba thương phẩm, 200 cặp ba ba bố mẹ; 15 cặp nhím bố mẹ; 30 cặp cầy nhung đen…
Tổng số vốn đầu tư vào trang trại lên tới 2 tỷ đồng, tổng diện tích ao hồ, thực địa là 4.000 mét vuông… Mỗi năm, trang trại của anh tạo công ăn việc làm ổn định cho 5, 6 lao động và 10 lao động thời vụ với mức lương từ 1,5 tới 2,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2009, mô hình trang trại của anh vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) khen thưởng. Tại Festival thanh niên nông thôn thủ đô lần thứ nhất năm 2010, Bùi Đăng Đa là một trong số 20 gương mặt nổi bật có mô hình sản xuất kinh tế giỏi được Thành Đoàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh.
Ngày 7/8 vừa qua, anh vinh dự là một trong 100 thanh niên làm kinh tế giỏi của miền Bắc nhận giải thưởng Lương Định Của. Giải thưởng này dành cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; phát triển ngành nghề; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên tại nông thôn…
Chia sẻ với chúng tôi, “doanh nhân làng” muốn thông qua giải thưởng này các doanh nhân trẻ nông thôn sẽ tập hợp nhau lại theo hình thức câu lạc bộ, hợp tác xã… thành các mắt xích trong một hệ thống xâu chuỗi các doanh nhân, các trang trại mà ở đó nhà nông trẻ có thể tiếp cận nguồn vốn, được tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế phù hợp với địa phương, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong quá trình lập nghiệp.