00:00 Số lượt truy cập: 2670076

Tỷ phú người Mảng ở Nậm Ban 

Được đăng : 03/11/2016
Nậm Ban là xã vùng cao biên giới của huyện Sìn Hồ (Lai Châu), nơi chỉ được biết đến với đói nghèo, những phong tục tập quán lạc hậu và những cái “không” điển hình: Không đường ô tô, không điện...

Anh Toi bên đàn bò của gia đình.

Tuy nhiên, ngay trên mảnh đất nghèo khó ấy, Tào A Toi, người Mảng ở bản Nậm Nó đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực của mình.

Con đường thành tỷ phú

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Tào A Toi là một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nậm Ban, nơi chỉ có đói nghèo và những hủ tục lạc hậu, như nhiều thanh niên trong xã, bản, anh lập gia đình và mưu sinh bằng nghề nông. Tuy nhiên, cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn, ước mơ thoát nghèo đã khiến anh nhiều đêm thức trắng.

Năm 1999, anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Lúc đầu anh cũng lo lắng vì vợ yếu, con thơ, anh lại không có kiến thức về chăn nuôi. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định thực hiện mơ ước của mình. Nguồn vốn ban đầu của gia đình từ việc bán lợn và thóc lúa được trên 10 triệu đồng anh mạnh dạn vay mượn thêm mua 5 con bò, 3 con trâu sinh sản. Nhờ tích cực học tập và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, chú trọng vệ sinh chuồng trại nên anh đã thành công.

Đến thăm mô hình trang trại của anh, chúng tôi thực sự cảm phục con người giàu nghị lực này. Biết mình chưa có kinh nghiệm, anh mạnh dạn học hỏi các mô hình hiệu quả ở Sơn La, Phú Thọ... Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, anh đã chủ động tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc theo từng mùa nên vật nuôi của anh đều khỏe mạnh.

Đến thời điểm này, gia đình anh đã có gần 100 con bò, trong đó có 30 bò sinh sản, hơn 30 con trâu, trị giá trên 800 triệu đồng. Mỗi năm gia đình anh bán 9 – 10 con trâu, bò cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Với số tiền trên, anh tiếp tục mua 20 con dê về nuôi, đồng thời sắm các dụng cụ gia đình và cho con cái ăn học. Tào A Toi tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện nên đến nay tôi đã phát triển được đàn gia súc trên 100 con. Từ chăn nuôi, gia đình tôi đã bớt đói nghèo, đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm trang trại”.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình

Để đảm bảo nguồn lương thực cho 9 người trong gia đình, anh chủ động khai hoang thêm 15ha diện tích trồng lúa nước, 5ha sắn và 3ha ngô, mở rộng 4ha nuôi cá. Không những làm giàu cho gia đình, A Toi còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình nghèo khó trong bản mỗi khi giáp hạt. Khi thiếu đói, mọi người đến vay, anh sẵn sàng đáp ứng, thậm chí cho vay không cần hoàn lại. Nhiều gia đình được anh giúp đỡ theo hình thức cho mượn bò giống để chăn thả, nếu bò đẻ thì con bê đó sẽ thuộc về họ. Với hình thức này, đến nay nhiều gia đình trong bản được anh giúp đỡ đã có 7-10 con bò, điển hình như gia đình các anh Chìn A Tơi, Tào A Tương...

Nói về A Toi, Chìn A Tơi, người cùng bản cho biết: “Mô hình kinh tế của gia đình A Toi là một mô hình mới, có nhiều triển vọng. A Toi là người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không những phát triển kinh tế gia đình, anh còn thường xuyên giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã, bản”.

Ông Phạm Minh Hải, Phó bí thư Đảng uỷ xã Nậm Ban cho biết: “Từ mô hình của gia đình Tào A Toi, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đề ra chủ trương, xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phát huy diện tích đồi rừng, xây dựng các mô hình trang trại, chăn nuôi đại gia súc và trồng thảo quả ở những bản có điều kiện. Cấp uỷ, chính quyền xã mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho bà con vay vốn, giống để phát triển sản xuất, từ đó thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người dân. Trang trại của A Toi sẽ là mô hình điểm để người dân học tập và nhân rộng”.

Trước khi chia tay, Tào A Toi cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng lại hệ thống chuồng trại, mở rộng thêm mô hình để vừa dễ quản lý và cũng là để phát triển thêm kinh tế gia đình”.