00:00 Số lượt truy cập: 2666727

Vệ sinh môi trường nông thôn: Từ mục tiêu đến hiện thực 

Được đăng : 03/11/2016
Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đặt ra tham vọng lớn, đó là đến năm 2010 có 85% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 70% số gia đình có nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, việc đạt được mục tiêu này là rất khó khăn trong điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân ở vùng nông thôn còn nhiều điều phải bàn.

Khó trăm bề

Có thể nói, những năm qua, thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tuyên truyền giáo dục để người dân thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân. Nhờ đó, tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch, được cải thiện chất lượng cuộc sống ngày càng tăng. Nhưng so với mục tiêu đề ra thì những kết quả đó như “muối bỏ bể”, khiến công tác vệ sinh môi trường nông thôn gặp nhiều thử thách. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), chỉ có 18% số gia đình ở nông thôn có nhà tiêu đạt chuẩn; 12% người dân nông thôn có hành vi rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh; 12% số trường học ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Những con số này cho thấy, hầu hết người dân nông thôn chưa có điều kiện để nâng cao chất lượng sống, nguồn chất thải chưa qua xử lý luôn là mầm họa gây ra các loại dịch bệnh. Không quá khó hiểu khi thời gian gần đây một số loại dịch bệnh như tiêu chảy cấp nguy hiểm, sởi,... đã “tái xuất” mà nguyên nhân chính là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém.

Đơn cử như tại Cà Mau, mặc dù đã đầu tư nhiều tiền của vào xây dựng các công trình nước sạch nhưng đến nay vẫn còn khoảng 45% dân số phải sử dụng nước sông rạch, ao đìa để sinh hoạt và thường lâm vào cảnh thiếu nước trong mùa khô. Còn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, cảnh rác, chất thải của gia súc rải khắp đường làng ngõ xóm không phải là chuyện hiếm. Tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên), tỷ lệ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh chỉ đạt 15%; người dân chưa biết thu gom và xử lý rác sinh hoạt, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Bản thân ông Hoàng Hải Hậu, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên) cũng thừa nhận, rất khó để hoàn thành mục tiêu đề ra vào năm 2010 bởi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, tập quán sinh hoạt lạc hậu, chưa kể đến đội ngũ cán bộ làm công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn rất mỏng.

Nhờ sự đầu tư của Chương trình 134, người dân xã Hố mít (Than Uyên - Lai Châu) đã có nước sạch sử dụng.

Khắc phục cách nào?

Để nhanh chóng khắc phục khó khăn, tồn tại, giảm khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu đề ra, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cho vấn đề này. Ngoài ra, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, sự tham gia tích cực của người dân trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường kết hợp với vệ sinh cá nhân.

Trên thực tế, địa phương nào biết kết hợp nhiều nguồn lực hỗ trợ, phát huy sức mạnh nội lực thì chương trình đạt được kết quả ngoài sự mong đợi. Tại xã Khúc Xuyên (TP.Bắc Ninh -Bắc Ninh), vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã trở thành mối quan tâm không chỉ của chính quyền, các ban ngành đoàn thể mà còn kêu gọi được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các đoàn thể khác có trách nhiệm tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nguồn nước bẩn, sự ô nhiễm của rác thải; tích cực tham gia thu gom rác thải và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. Ngoài ra, xã còn thành lập đội thu gom rác thải gồm 12 người chia làm 6 tổ do hội viên Hội Phụ nữ đảm nhiệm; tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh. Nhờ đó, tình hình môi trường ở Khúc Xuyên được cải thiện đáng kể.

Một trong những giải pháp để thực hiện chương trình hiệu quả là lồng ghép các vấn đề vệ sinh môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế M - xã hội của địa phương. Nâng cao hiểu biết cho người dân để họ có khả năng tự lựa chọn phương thức bảo vệ sức khoẻ cho mình. Đẩy mạnh hợp tác với khu vực tư nhân để huy động khả năng chuyên môn và nguồn lực như khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp các giải pháp vệ sinh môi trường chi phí thấp cho các gia đình nông thôn. Và điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường để tự họ thay đổi hành vi trong vệ sinh cá nhân.