00:00 Số lượt truy cập: 2694058

Về việc chuyển các loại cây khác sang trồng lúa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Nên khuyến khích 

Được đăng : 03/11/2016

Bên lề phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (ảnh) đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về xu hướng người dân chuyển đổi hàng loạt diện tích cây ăn trái sang trồng lúa.


- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng gần đây nông dân ở nhiều vùng, đặc biệt là ĐBSCL, ồ ạt chuyển đổi diện tích cây ăn trái hoặc đất làm muối, nuôi trồng thủy sản… sang trồng lúa?

Thứ trưởng BÙI BÁ BỔNG: Thực ra trước đây giá lúa thấp thì người dân chuyển diện tích trồng lúa sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, ở một số nơi việc chuyển đổi này không hiệu quả, giờ thì họ chuyển lại trồng lúa. Việc này là bình thường, có điều chính quyền địa phương phải hướng dẫn nơi nào cần chuyển và cách thức xử lý đất đai, kỹ thuật trồng lúa thế nào để đạt hiệu quả cao.

- Chuyển diện tích nuôi tôm, cây ăn trái sang trồng lúa có gặp khó khăn về nguồn nước?

Đối với trồng lúa thì vấn đề thủy lợi đơn giản hơn nhiều so với trồng cây ăn trái hay nuôi thủy sản. Nuôi thủy sản phải đầu tư rất nhiều về thủy lợi để dẫn nước mặn, hay trồng cây ăn quả phải đầu tư làm bờ bao, tránh úng ngập... Làm lúa thì không cần đầu tư nhiều mà vẫn trồng được, thu lời lại rất nhanh. Với mặt bằng giá hiện nay chỉ trong 3 tháng trồng lúa bà con có thể thu được 15-20 triệu đồng/ha.

- Nhưng việc liên tục thay đổi cây trồng sẽ gây tốn kém và có thể phá vỡ quy hoạch những loại cây trồng khác?

Với diện tích 1,8 triệu ha trồng lúa ở ĐBSCL thì diện tích chuyển đổi chỉ khoảng 1%, tức là rất nhỏ, không làm phá vỡ quy hoạch trồng lúa của khu vực. Thật ra nước nào cũng điều chỉnh quy hoạch tùy tình hình thị trường.

- Liệu có việc sản lượng lúa sẽ tăng; giá gạo thế giới có thể giảm và bà con sẽ lại chuyển đổi từ cây lúa sang trồng loại cây khác?

Không nên lo ngại điều đó, bởi không bao giờ đủ gạo cho thế giới! Dự báo trong một thời gian rất dài nữa giá lúa không xuống, thậm chí tới 10-15 năm. Vả lại, không phải nước nào cũng có thể tăng diện tích trồng lúa, nếu cố gắng trồng thì sẽ phải đầu tư rất cao. Hiện chỉ có một số nước có lợi thế trồng lúa, trong đó có Việt Nam. Quan điểm của tôi là nên khuyến khích việc người dân chuyển một số diện tích sang trồng lúa. Cần nói thêm là vụ lúa chỉ 3 tháng vì thế nếu cần thiết chuyển từ lúa sang cây khác cũng rất dễ, không lo lãng phí.

- Việc nông dân chạy theo thị trường, không có định hướng quy hoạch rất dễ dẫn đến hậu quả là chính họ phải chịu thiệt thòi?

Nông dân bây giờ phải thích ứng với cơ chế thị trường, họ nhanh nhạy chuyển đổi theo cơ chế thị trường, chứ không phải “chạy theo”. Vấn đề là Nhà nước cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về thị trường và hướng dẫn kỹ thuật cho họ làm tốt.

- Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giữ diện tích trồng lúa bao nhiêu là hợp lý?

Đối với quy mô dân số ổn định 130 triệu người cần khoảng 3,8-3,9 triệu ha đất lúa. Hiện diện tích lúa của ta là 4,1 triệu ha nên có lúa dư để xuất khẩu, nhưng lượng xuất khẩu sẽ giảm dần.

- Hiện nay chi phí sản xuất lúa tăng 300%. Vậy tăng diện tích lúa có mang lại lợi nhuận như mong muốn?

Thu nhập thấp là do đất trồng lúa của nông dân quá ít, vì chỉ có 2.000 –3.000m2, hoặc nhiều nhất là 1ha/người. Chứ nếu nông dân tích tụ được đất lúa thì hoàn toàn có thể làm giàu. Mỗi năm một hộ nông dân có thể lời vài ba trăm triệu đồng. Ta đang tạo điều kiện, làm thế nào đó phải giải phóng lao động nông thôn, tích tụ thêm ruộng đất cho nông dân.

- Cảm ơn Thứ trưởng.