Đến thời điểm này có thể nói vụ đông xuân ở ĐBSCL cơ bản đã thắng lợi, năng suất lúa vụ đông xuân năm nay thậm chí còn cao hơn vụ đông xuân năm 2005-2006. Và có một điều thuận lợi nữa là giá lúa trên thị trường hiện nay đang tốt nên thu nhập của bà con cũng khá cao, để bù lại những thất thu từ các vụ lúa trước và trả lại công khó nhọc mà bà con đã đổ ra trong suốt vụ mùa qua.
Theo Tổng công ty Lương thực miền Nam, trong năm 2007 thị trường xuất khẩu lương thực của Việt Nam rất khả quan. Hiện nay nhu cầu gạo trên thị trường thế giới rất mạnh, giá cả cũng đang rất tốt. Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam cho biết từ đầu năm 2007 đến nay, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới rất mạnh, giá lên và hiện nay giá lúa thu mua trong dân vẫn giữ được mức cao, dao động từ 2.700-2.750đ/kg, tính giá lúa khô khoảng 3.000đ/kg.
Thứ hai về tình hình tiêu thụ gạo trên thị trường, hiện Tổng Công ty lương thực miền Nam còn bị đọng phần mua của cuối năm 2006, do thời điểm đó Chính phủ hạn chế xuất khẩu gạo nên Tổng công ty còn tồn lô đã ký. Ngoài ra thì từ đầu năm cho đến nay có nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký rất lớn, lên tới hơn 3 triệu tấn. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất lo vì hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký rồi, lúa vụ đông xuân cũng mới bắt đầu thu hoạch rộ, không biết sản lượng thu hoạch tiếp theo sau sẽ như thế nào? Năm nay Chính phủ đã đồng ý cho xuất khẩu từ 4 đến 4,5 triệu tấn gạo, như vậy chỉ còn khoảng hơn 1 triệu tấn gạo nữa là chưa ký.
Về phẩm chất gạo, mặc dù vụ lúa đông xuân năm nay có bị dịch bệnh tấn công một vài nơi, nhưng sau hai tháng làm gạo xuất khẩu Tổng công ty nhận thấy phẩm cấp lúa gạo của Việt Nam năm nay rất tốt, cho đến bây giờ phần lớn số lượng gạo mà Tổng Công ty mua vào có thể làm được loại gạo xuất 1505% tấm. Nguyên nhân là do các giống lúa bà con nông dân trồng trong vụ lúa này phần lớn đều là ra được gạo cao cấp.
Tính cho tới nay toàn Tổng công ty lương thực miền Nam đã mua được gạo quy ra khoảng 1,2 triệu tấn lúa, so với tổng sản lượng của cả vụ ước đạt là khoảng hơn 9 triệu tấn. Khoảng 1 tuần trở lại đây Tổng công ty đang đẩy mạnh việc thu mua lúa gạo, mỗi ngày mua vào khoảng hơn 20.000 tấn. Tất cả các kho của Tổng công ty đang mở hết "công suất" để mua lúa, gạo vào không hạn chế, và tiền nong cũng được thanh toán sòng phẳng cho nông dân. Theo điều tra của Tổng công ty thì cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy có nơi nào bà con than phiền vì mua lúa không kịp cho dân. Ngoài ra, cũng có một số nông dân có khả năng tài chính nên không bán lúa ngay mà phơi khô và trữ lại chờ khi qua kỳ thu hoạch rộ giá lúa lên cao hơn mới bán.
Về giá lúa, gạo xuất khẩu trên thị trường, ông Dũng cho biết thêm, hiện nay gạo của Việt Nam xuất với giá rất tốt. Trước đây giá gạo xuất của Việt Nam thường thua gạo Thái Lan một khoảng cách khá xa, nhưng đến nay thì sự chênh lệch này đang dần rút ngắn lại. Giá bán gạo của hai nước đã gần xấp xỉ nhau. Ví dụ, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá bán là 310 USD/tấn, thì gạo của Thái Lan cũng chỉ với giá 317 USD/tấn. Điều này chứng tỏ rằng, chất lượng lúa, gạo của Việt Nam đang được nâng lên đáng kể, được thị trường đánh giá cao, và trong tương lai gần giá gạo của Việt Nam trên thị trường sẽ ngang bằng hoặc có thể cao hơn Thái Lan. Đây là vấn đề hoàn toàn khả thi.
Trong khi thị trường gạo xuất khẩu đang tốt lên thì thị trường xuất khẩu gạo thơm chỉ xuất bán được với số lượng không đáng kể. Sở dĩ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không thể ký xuất những hợp đồng lớn vì họ cho rằng sản lượng gạo thơm trong dân là có giới hạn, nếu ký hợp đồng xuất gạo thơm với số lượng lớn các doanh nghiệp ngại không đủ lượng lúa để thu mua theo yêu cầu.
Theo Tổng công ty lương thực miền Nam, cho đến nay mặt hàng gạo thơm vẫn chưa ký hợp đồng nào với số lượng lớn. Riêng về giá gạo thơm, hiện nay trên thị trường đang ở mức giá là 390 USD/tấn, nhưng chỉ là những hợp đồng nhỏ lẻ khoảng từ 3.000-5.000 tấn. Đối với việc xuất khẩu gạo thơm Jasmine, hiện nay Tổng công ty đang tập trung thu mua lúa để chuẩn bị cho những hợp đồng sẽ ký sau này, vì muốn chế biến gạo thơm xuất khẩu không thể làm từ gạo mua trên thị trường như các loại lúa khác, mà Tổng công ty phải mua lúa trữ lại và phải xay từ lúa ra để làm gạo thơm xuất. Chỉ làm như vậy mới giữ được mùi thơm và chất lượng gạo.
Tính cho tới thời điểm này, công tác chuẩn bị thị trường cũng như công tác chuẩn bị tiền nong, kho tàng... để phục vụ cho việc thu mua lúa gạo, đã được Tổng công ty lương thực miền Nam hoàn tất. Ông Dũng nhận định: "Nhìn chung thị trường xuất khẩu gạo đang diễn biến rất thuận lợi, với giá gạo xuất khẩu như bây giờ thì bà con nông dân trồng lúa sẽ có thu nhập khá tốt".