Năng suất bình quân 55,3 tạ/ha, sản lượng thóc ước đạt 960 nghìn tấn, tăng 7 tạ/ha về năng suất, 120 nghìn tấn về sản lượng so vụ đông xuân trước, đó là kết quả sản xuất vụ đông xuân 2008 - 2009 ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là vụ được mùa toàn diện ở tất cả các tỉnh thành trong khu vực.
Những bài học kinh nghiệm
Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất đông xuân 2008 - 2009, triển khai sản xuất hè thu do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 22/4 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã phân tích rõ những yếu tố đem lại kết quả phấn khởi nêu trên. Trước hết nói về thời tiết, vụ ĐX năm nay ở Nam Trung bộ khá thuận lợi, không có tình trạng rét đậm như năm ngoái, các địa phương tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ. Nhờ vậy, thời kỳ lúa trổ không gặp bất lợi về thời tiết như mưa, gió.
Tuy đầu vụ mưa lũ gây thiệt hại trên 30 nghìn ha, nhưng nông dân không bị động về giống. Địa phương nào cũng chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cơ số giống chất lượng cao. Không chỉ đưa các loại lúa mới có nhiều đặc tính ưu việt vào canh tác mà các loại giống lúa thường cũng được thẩm định chọn lọc kỹ càng. Tình trạng dùng thóc thịt làm giống không còn, 100% diện tích gieo sạ đều dùng giống kỹ thuật, kể cả diện tích bị thiên tai gây hư hỏng phải gieo sạ lại. Bên cạnh các loại lúa thường năng suất, chất lượng cao như Xi 23, X21, NX30, ĐB6, ĐV108, nhiều địa phương mạnh dạn mở rộng diện tích lúa lai, đưa các giống lúa lai mới như Nghi hương 2308, Quốc hương ưu 5, B-TE 1... vào canh tác.
Không những vậy, kỹ thuật thâm canh được nông dân đặc biệt quan tâm. Không còn tình trạng gieo 150 - 250 kg thóc giống/ha như trước mà đã giảm chỉ còn 100 - 120 kg/ha, thậm chí có nơi mạnh dạn gieo thưa với 70 - 80 kg/ha; với lúa lai còn thưa hơn, chỉ 35 - 40 kg/ha. Về đầu tư các loại phân bón nông dân cũng chú trọng cân đối hơn, công tác phòng trừ sâu bệnh kịp thời hiệu quả. Nói tóm lại, vụ ĐX năm nay, các địa phương trong khu vực đều chú trọng thâm canh, không chỉ chủ động giống tốt mà triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, từ đó trình độ canh tác của nông dân được nâng lên đáng kể.
Tỉnh Quảng Nam là địa phương có diện tích canh tác lúa nhiều nhất: 41.380 ha. Sáng 22/4, tham quan cánh đồng của xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, ai nấy trong đoàn cán bộ dự hội nghị sơ kết sản xuất ĐX do Bộ NN-PTNT tổ chức đều phấn khởi trước thành quả sản xuất của nông dân vùng này. Ai cũng cho rằng, giống lúa lai Quốc hương ưu 5 có mặt trên đồng ruộng đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng trong canh tác lúa. Lần đầu tiên nông dân Quảng Nam đưa vào sản xuất giống lúa mới này cho năng suất kỷ lục 10 tấn/ha, hơn thế chất lượng gạo của giống cũng được đánh giá rất ngon.
Ông Võ Văn Cường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng: Cơ cấu giống hợp lý, sử dụng giống chất lượng cao, phẩm cấp tốt, có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng lúa. Vụ ĐX này, ngành nông nghiệp tỉnh đã sử dụng 100% giống tiến bộ kỹ thuật để gieo sạ. Ở 2 huyện Điện Bàn và Đại Lộc lúa lai chiếm trên 50% diện tích. Nhờ áp dụng quy trình 3 tăng 3 giảm, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 61 - 63 tạ/ha, cao hơn vụ ĐX trước 2 - 3 tạ/ha, cao nhất trong dăm bảy năm gần đây. Ông đúc kết: Thời vụ hợp lý, giống tốt, nước đủ, thâm canh chu đáo là cơ sở để lúa đạt năng suất cao.
Thừa thắng xốc tới
Vụ hè thu các tỉnh thành khu vực Duyên hải Nam Trung bộ sẽ gieo sạ 162 nghìn ha lúa. Để đạt được 916 nghìn tấn thóc như kế hoạch đề ra, năng suất phải đạt tối thiểu 56 tạ/ha. Với sự chỉ đạo kịp thời chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, các địa phương, kinh nghiệm và quyết tâm của nông dân, tin tưởng vụ hè thu tới vùng Nam Trung bộ sẽ bội thu như vụ ĐX này.
Vụ đông xuân bội thu làm nức lòng nông dân các tỉnh thành khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Đây cũng là tiền đề khá thuận lợi cho sản xuất hè thu sắp tới. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Cơ cấu giống hợp lý, chỉ đạo và tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, ưu tiên mở rộng diện tích lúa lai, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật theo chương trình 3 giảm 3 tăng... vẫn là những giải pháp cơ bản cho sản xuất của vùng. Theo ông Hòa, nông dân cần sạ thưa, với lúa thuần nên chỉ từ 70 - 100 kg/ha, không nên gieo dày vừa tốn giống vừa năng suất thấp.
Đối với các địa phương canh tác 3 vụ/năm, chú trọng cày ải vệ sinh đồng ruộng, cách ly giữa 2 vụ ít nhất 7 - 10 ngày. Thời gian xuống giống lý tưởng nhất là từ 5 - 15/4. Với các vùng sản xuất 2 vụ/năm (cả khu vực có 135 nghìn ha) thời gian gieo sạ sau tiết Tiểu mãn là tốt nhất, tức là khoảng 25/5, để lúa trỗ từ 15/8 đến 30/8. Về giống, các địa phương chọn nhóm giống chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu địa phương mình, nên tập trung trong bộ các loại lúa: Xi 3, NX30, BM9855, ĐB6, Q5, HT1, TBR-1 và các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, Quốc hương ưu 5... Vấn đề không thể xem nhẹ là chất lượng hạt giống, tức là phải dùng giống xác nhận, hạt lai F1 để gieo sạ.