00:00 Số lượt truy cập: 2668636

“Vua” cá chình Bạc Liêu 

Được đăng : 03/11/2016
Từng bán cà-rem (kem), bơm hộp quẹt gas, thu mua phế liệu, vậy mà không ai ngờ người đàn ông nghèo khó thuở nào đã trở thành tỷ phú kinh doanh tôm sú giống, nay còn được bà con phong là “vua” cá chình đất miền Tây. Người làm nên “kỳ tích” đó là anh Bùi Xuân Tương ở ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B (Hòa Bình - Bạc Liêu).

Thu hoạch cá chình.

Nhớ thời bán cà rem

Năm 1983, từ tỉnh Hà Tĩnh, anh Tương khăn gói về xã Vĩnh Mỹ B lập nghiệp với tương lai mù mịt bởi anh mới học hết lớp 9, không nghề nghiệp, không vốn liếng, không người thân thích. Tài sản duy nhất chỉ là đôi chân dẻo dai và số tiền ít ỏi vừa đủ mua một thùng cà rem để đi bán dạo. Hồi ấy, anh phải ở đậu hết nhà người này đến nhà người khác. Suốt gần 6 năm ròng hành nghề bán cà rem, anh đã đi khắp miền Tây để mưu sinh. Những ngày tháng rong ruổi, đôi vai chai sạn vì phải đeo thùng cà rem nặng trĩu với thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày đã hun đúc trong anh ý chí quyết tâm thoát nghèo. Anh Tương tâm sự: “Mỗi ngày bán cà rem được khoảng 30.000 đồng, tôi chỉ dám tiêu 10.000 đồng, phần còn lại để bỏ ống”.

Sau 3 năm bán cà rem, số tiền dành dụm được kha khá, anh đầu tư mua mấy chiếc xe đạp và trang bị thùng đựng cà rem rồi cho những người nghèo khó, cùng cảnh ngộ thuê mướn. Nhưng tiền đâu chẳng thấy, cả chục chiếc xe cho thuê đã một đi không trở lại. Anh lại bắt đầu từ vạch xuất phát.

Trở thành tỉ phú

Suốt 3 năm lang thang khắp các nẻo đường bán cà rem, bơm hộp quẹt gas và thu mua phế liệu, cái nghèo vẫn đeo đẳng anh Tương. Không nản chí, anh khăn gói xuống Cà Mau phụ làm lơ xe cho một đại lý bán tôm sú giống. Không ngờ đây lại chính là bước ngoặt của cuộc đời anh.

Anh Tương cầm con cá chình nặng gần 4kg vừa thu hoạch.


Trong thời gian làm lơ xe, anh Tương học lỏm được kỹ thuật sản xuất tôm sú giống. Sau khi đã nắm chắc kiến thức, anh dồn toàn bộ số tiền tích cóp được đầu tư sản xuất tôm sú giống. Lúc bấy giờ, nhu cầu về con giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ ở khắp nơi, chính vì thế, lượng tôm giống của anh sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cơ sở sản xuất tôm giống của anh ngày càng phát triển, lúc cao điểm anh Tương có tới hơn 200 hồ sản xuất tôm giống với quy mô lớn, mỗi năm cung ứng gần 1 tỉ con giống, với mạng lưới đại lý phân phối rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ là người nghị lực, anh Tương còn mạnh dạn trong nếp nghĩ, cách làm. Khi nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn mang lại lợi nhuận lớn anh là người tiên phong đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở cung cấp, ương thuần giống và tiêu thụ cá chình xuất khẩu. Do cá chình chưa sinh sản nhân tạo được nên giá cá giống rất cao. Hiện anh Tương có gần 10ha đất để sản xuất, ương thuần giống và nuôi cá chình thương phẩm nhằm cung cấp con giống sạch bệnh cho bà con.

Ngoài ra, anh còn ký hợp đồng cung cấp cá chình giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cá chình thương phẩm cho người nuôi và xuất khẩu trực tiếp cá chình sống sang Trung Quốc, Nhật Bản.