Vượt qua nỗi đau chiến tranh, nhiều thương, bệnh binh đã biết cách vươn lên trong lao động, sản xuất, trở thành những điển hình tiêu biểu ở địa phương.
Năm 1972, ông Đặng Khắc Xuân ở thôn Thanh Giang, xã Trù Hựu (Lục Ngạn – Bắc Giang) rời ghế nhà trường lên đường vào Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế về Trung đoàn Thông tin 575 (Quân khu V). Như nhiều người lính khác, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1977, ông trở về địa phương, xây dựng gia đình với nhiều vết thương trên thân thể. Vợ chồng ông lần lượt sinh được bốn người con nhưng cô con gái đầu bị bại não, suy tim. Bản thân ông mỗi khi trái gió, trở trời vết thương cũ lại tái phát. Vượt lên nỗi đau về thể xác và tinh thần, ông Xuân động viên vợ con gắng sức phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Sau khi dành dụm được chút vốn liếng, vợ chồng ông mua thêm 15.000m2 đất đồi, cải tạo trồng vải thiều, nhãn; khu vực đất trũng làm ao thả cá và cung cấp nước tưới cho vườn cây; một phần diện tích ông xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt, gà đẻ… Nhờ đổi mới cách làm, ông Xuân dần trở thành điển hình phát triển kinh tế ở địa phương. Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm ông thu nhập hơn 200 triệu đồng từ VAC.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, với tư cách là uỷ viên Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Trù Hựu, ông Xuân luôn tích cực chia sẻ, hỗ trợ hội viên gặp khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp hơn 50% gia đình hội viên có kinh tế ổn định; hộ nghèo giảm còn 3 hộ, nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu Gia đình văn hoá tiêu biểu.
Ông Nguyễn Văn Hưng ở thị trấn Vôi (Lạng Giang – Bắc Giang) nhiễm chất độc da cam/điôxin. Hậu quả của thứ chất độc ấy là cả ba người con của ông đều chậm phát triển trí tuệ. Thời kỳ đầu phát hiện các con bị phơi nhiễm chất độc hoá học, vợ chồng ông suy sụp hoàn toàn.
Bằng nghị lực đã được thử thách qua những năm tháng chiến đấu gian khổ ngoài mặt trận, ông Hưng gắng đứng dậy tìm cách vượt qua khó khăn. Đang làm việc trong ngành ngân hàng, năm 1991 ông quyết định xin nghỉ chế độ trước tuổi để có thời gian phát triển kinh tế, chăm sóc các con. Do có kinh nghiệm quản lý, sau khi về nghỉ, ông gom góp tài sản, vay thêm vốn mở cửa hàng kinh doanh vàng, bạc tại gia đình.
Nhận thấy việc chăm sóc, điều trị bệnh cho các con cần có quá trình lâu dài, năm 1996, vợ chồng ông mua 3,4ha đất đồi tại thôn Nam Tiến 1, xã Xương Lâm để phát triển kinh tế. Giao cửa hiệu kinh doanh vàng, bạc cho vợ quản lý, ông Hưng dành hầu hết thời gian trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn các con quan sát rồi chỉ bảo, uốn nắn từng thao tác để chúng làm theo. Không phụ công sức của ông và các con, chỉ sau 3 năm, khu đất của gia đình đã được phủ xanh bởi hàng trăm cây ăn quả như xoài, vải thiều, nhãn lồng, sưa và một số cây lấy gỗ khác. Ước tính mỗi năm, gia đình ông Hưng có thu nhập hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương. Đặc biệt, hai người con của ông hiện đều có thể tự lao động kiếm sống, có gia đình riêng.