“Công dân hạng hai”
Hỏi vì sao không XK gạo, ông Trần Bảo Toàn, GĐ Cty Thanh Lịch (Đồng Tháp) lắc đầu “Khi XK ngon lành, các DNNN ôm hết rồi. Chỉ khi nào thị trường rất khó khăn, họ mới nhả ra”. Vì lẽ đó, hầu hết các DNTN, dù nhỏ bé hay có chút tiềm lực, đều đang đành chấp nhận chỉ làm nhà cung ứng gạo nguyên liệu cho khỏe.
Vậy sao không tham gia vào VFA để được ưu ái hơn? GĐ một DN ở Long An không trả lời ngay câu hỏi của chúng tôi mà lấy trong túi ra một tờ giấy A4, in bản Điều kiện xét kết nạp hội viên của VFA. Trong đó, ghi rõ, DN muốn trở thành thành viên của VFA phải có vốn pháp định tối thiểu 10 tỷ đồng, đã tham gia XK gạo có uy tín với lượng đã xuất ít nhất là 10.000 tấn/năm.
Vị GĐ này than “Ở các Hiệp hội nông sản khác, không ai quy định thành viên phải có vốn và lượng XK là bao nhiêu. Bởi thế, ở những Hiệp hội này thành viên rất đa dạng, từ DN lớn tới DN nhỏ, DDNN tới DNTN, thậm chí có cả các cơ sở thu mua, trang trại. Còn với hai quy định kỳ cục này, rõ ràng VFA đã cố tình ngăn không cho những DN nhỏ được tham gia Hiệp hội, trang trại và nông dân thì lại càng không. Hình như VFA chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ các DN có thế lực, chứ không đại diện cho toàn thể ngành lương thực hiện nay. Vậy mà VFA lại được quyền đăng ký XK gạo, muốn ngưng thì ngưng, muốn dãn là dãn, khiến cho những DN ngoài VFA cứ phải khốn khổ theo”.
Lời nhất là “đại gia”
Ông Toàn đưa ra dẫn chứng, nửa đầu năm ngoái, khi cơn sốt giá gạo lên cao, giá gạo nguyên liệu trong nước loại 5% tấm mà các DNTN bán cho các DNXK, lúc cao điểm nhất cũng chỉ được trên 8.000 đ/kg, còn trung bình cả năm ở mức khoảng 7.200 đ/kg. Trong khi đó, một “đại gia” XK là TCty LTMN đã bán được một lô hàng áng chừng khoảng 100.000 tấn cho Philippines với giá tới 1.200 USD/tấn, tương đương với 19.000 đ/kg gạo. Cứ cho là khi chuẩn bị cho lô hàng này, TCty LTMN đã mua gạo nguyên liệu với giá trên 8.000 đ/kg, thậm chí có thể tới 9.000 đ/kg, thì TCty này cũng đã thu được mức lời qúa “khủng” là 10.000 đ/kg. Và với chỉ riêng lô gạo này, TCty LTMN đã lời tới cả ngàn tỷ đồng. Ở những lô hàng giá thấp hơn, các DN “đại gia” cũng thu lời tới 6.000 đ/kg gạo.
Từ đầu năm 2009 đến nay, theo VFA, mức giá XK gạo bình quân là 406 USD/tấn. Ông Toàn nhẩm tính, với mức giá này, DNXK lãi chừng 700 đ/kg gạo, tương đương với 1.200 đ/kg. Trong khi đó, với mỗi kg lúa, nông dân ĐBSCL cũng chỉ thu lời được cỡ đó. Lúc giá bình thường, DNXK cũng đã lời ngang nông dân, là một điều không thể chấp nhận được.
Nông dân phải gánh ANLT
Do ảnh hưởng bởi lệnh ngưng đăng ký hợp đồng XK trong 6 tháng đầu năm nay của VFA, giá gạo nguyên liệu cuối vụ ĐX 2008-2009 đã giảm từ 600-700 đ/kg, kéo giá lúa giảm mạnh theo. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm làm gạo, ông Trần Bảo Toàn mới thấy có hiện tượng giá lúa gạo giảm ở thời điểm cuối vụ ĐX. Ông Trần Bảo Toàn khẳng định “Cung cách điều hành XK hiện nay chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ trong ngành lương thực, còn nông dân gần như chẳng được lợi lộc gì”. |
Theo cảnh báo của một số DNTN đã có nhiều năm thu mua và cung ứng gạo ở ĐBSCL, nếu điều hành XK gạo không tỉnh táo, thị trường lúa gạo nửa cuối năm nay sẽ có thể đi vào “vết xe đổ” của nửa cuối năm 2008, mà người chịu thiệt nhất đương nhiên vẫn là nông dân. Từ đầu năm đến nay, tuy cả nước đã XK được trên 2,4 triệu tấn gạo, nhưng một lượng khá lớn trong đó là gạo từ năm 2008 chuyển sang, do đó gạo của vụ ĐX 2008-2009 chưa XK được nhiều, và ước tính còn tồn trong kho của DN, trong dân ít nhất là 1,6 triệu tấn. Lượng gạo hàng hóa dành cho XK của vụ hè thu sẽ vào khoảng 2 triệu tấn. Ấy là chưa tính gạo của vụ thu đông.
Như vậy từ nay đến cuối năm, sẽ còn tới gần 4 triệu tấn gạo hàng hóa, trong khi giá gạo XK lại đang giảm mạnh và khó có thể hồi phục trở lại khi mà Thái Lan cũng đang mở kho bán ra tới 3,8 triệu tấn gạo.