Trong hai ngày 14 và 15-2, tại Ninh Thuận, Cơ quan Thú y vùng VI - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị tìm giải pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản giống và bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, giai cầm tại bảy tỉnh, gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đa số thắc mắc của hơn 40 chủ doanh nghiệp (DN) sản xuất giống thủy sản trong vùng tập trung vào các vấn đề: tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận công nhận cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh; Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sau khi xuất và vận chuyển; trình tự, thủ tục xét nghiệm giống trong quá trình nhập khẩu; phương pháp, cách lấy mẫu và xác định dịch bệnh giống thủy sản cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh.
Một DN ở Ninh Thuận, nói: DN biết việc kiểm dịch giống là trách nhiệm của mình, nhưng Cục Thú y, Chi cục Thú y các tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra, thu mẫu xét nghiệm mầm bệnh thuộc danh mục kiểm dịch giống thủy sản nhập khẩu của lô hàng mới nhập về tại cửa khẩu, để các DN thực hiện tốt hơn việc quản lý, kiểm tra vệ sinh thú y thủy sản, kiểm dịch yếu tố đầu vào cũng như giám sát, kiểm dịch trong quá trình sản xuất...
Giải thích vấn đề này, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI Nguyễn Xuân Bình, chia sẻ: “Ngay cả các cơ quan quản lý cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm của DN sản xuất giống, nên sẽ tìm các giải pháp tháo gỡ phù hợp trong thời gian tới.”
Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện nay, các tiêu chí quản lý, xử lý đối với các DN sản xuất tôm giống không chấp hành nghiêm an toàn dịch bệnh giống chưa thật rõ ràng. Việc phân cấp để thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho việc xử lý vi phạm...
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho thuỷ sản giống, lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng VI khẳng định, với sự ủy quyền của cấp trên, Cơ quan Thú y vùng VI có trách nhiệm kiểm dịch các yếu tố đầu vào tôm giống bố mẹ có nguồn gốc nhập khẩu, đồng thời thông báo nhanh kết quả kiểm mẫu trước khi tiến hành cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng và cho phép đưa lô hàng đủ điều kiện vào sản xuất.
Hiện nay, việc thả nuôi tôm của người dân trong vùng chủ yếu theo phương thức nuôi thâm canh cả hai loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng giống tôm bố, mẹ và cả tôm nhập khẩu, tỷ lệ nhiễm bệnh IHHNV (bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô) trên tôm thẻ chân trắng chỉ chiếm 2%/tổng số lô, trong khi đó tỷ lệ nhiễm bệnh của tôm sú lên đến 34%/tổng số lô.
Điều này cho thấy, nếu các cơ quan quản lý và DN sản xuất giống thuỷ sản có sự phối hợp đồng bộ về quản lý chặt chẽ nguồn giống nhập khẩu, DN và người nuôi sẽ tránh được những thiệt hại xuất phát từ nguồn giống kém chất lượng và mới xây dựng được cơ sở an toàn dịch bệnh cho sản xuất giống thuỷ sản trên toàn vùng.
Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI Nguyễn Xuân Bình, nói: Trong năm 2012, sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về công tác dịch tễ, kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh và kiểm tra vệ sinh thú y cho cán bộ thú y các tỉnh trong vùng. Chi cục Thú y các tỉnh tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các địa phương để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và báo cáo nhanh về cơ quan Thú y vùng để có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời về kinh phí, Vaccine tiêm phòng cũng như khắc phục thiệt hại.