00:00 Số lượt truy cập: 3230855

Xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Điện Biên từ cây cao su 

Được đăng : 03/11/2016

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Huy Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên. Minh chứng là gần 1.000ha cây cao su (có 7 loại giống mới) bước đầu được trồng tại 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa thuộc huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã "trụ vững" trên đất đồi núi bạc màu. Chỉ sau gần 1 năm, cây cao su sinh trưởng nhanh, cao trên 100cm và có từ 2 đến 4 tầng lá, tạo đà để Công ty tiếp tục mở rộng diện tích trồng trong năm nay thêm 3.000ha tại thành phố Điện Biên và ở các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Áng.


Theo Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh Điện Biên, đến năm 2020 tổng diện tích cây cao su trên địa bàn lên tới 30.000ha và chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu từ năm 2008-2015 trồng mới 20.000ha sẽ thu hút được 10.000 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ngày càng cao. Bởi sau khi trồng từ 5-7 năm, cây cao su được đưa vào khai thác tập trung có thể kéo dài trên 20 năm. Trong 2 năm đầu, đồng bào vẫn có thể trồng xen trên diện tích cao su các loại lúa nương và cây họ đậu. Đặc biệt, chính sách mà tỉnh đã ban hành hỗ trợ người nhận trồng cây cao su cho phép họ được góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Theo đó, mỗi ha người dân được tính tối đa 10 triệu đồng và trở thành cổ đông của Công ty, được hưởng lợi tức theo tỷ lệ góp vốn, thu nhập từ 40.000-100.000đ/ngày công lao động, họ còn được đảm bảo chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe...

Ông Cà Văn Inh, Trưởng bản Huổi Chan I, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên nhận xét: Sau khi được cán bộ giải thích rõ về chính sách và quyền lợi của người trồng cây cao su, tất cả bà con dân bản đều hưởng ứng ký hợp đồng nhận trồng. Vì với đất nương rẫy bạc màu hiện nay, mỗi năm canh tác ngô, sắn cũng chỉ thu được 4-5 triệu đồng/ha. Còn trồng cây cao su được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho từng người, có việc làm và thu nhập cao ngay tại bản nên đồng bào mình vui lắm!. Tại những thôn bản trồng cây này, nạn đốt nương làm rẫy và khai thác lâm thổ sản trái phép giảm hẳn, diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn các sông suối nơi đây ít bị xâm hại hơn trước.