Nếu những dự báo của FAO và OECD về tương lai tươi sáng đối với làng xuất khẩu gạo thế giới còn kéo dài tới giữa thập kỷ sau là đúng thì đây quả là thời cơ có một không hai cho Việt Nam.
Thị trường gạo thế giới sẽ "phá lệ"?
Quan sát những biến động của giá cả gạo trên thị trường thế giới trong 14 năm trở lại đây, thì chúng ta đang ở trong thời kỳ vàng son thứ hai.
Theo số liệu của WTO, giá gạo thế giới liên tục sốt tới 94 - 105 điểm trong 4 năm 1995-1998, nhưng liên tục trong sáu năm 1999-2004 đã chìm trong cơn sốt lạnh và chạm đáy chỉ với 54 điểm vào năm 2001. Ba năm 2000-2002 dao động ở mức 54-64 điểm; các năm 1994, 1999 và 2004 dao động ở mức 77-84 điểm có thể coi là các năm “giao mùa”. Riêng hai năm gần đây nhất đã sốt nóng trở lại với 90 và 94 điểm.
Như vậy, nếu lịch sử lặp lại đúng như chu kỳ trước, sẽ chỉ còn năm 2007 này và năm 2008 là thời gian cho chúng ta hưởng lợi, nhưng kể từ năm 2009 trở đi tới gần giữa thập kỷ sau sẽ lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thị trường nguội trở lại.
Thế nhưng, một công trình nghiên cứu chung của hai tổ chức quốc tế đầy uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp là FAO và OECD gần đây cho thấy, thị trường gạo thế giới sẽ có sự thay đổi kỳ diệu trong suốt 10 năm tới.
Cụ thể, giá gạo thế giới bình quân trong năm niên vụ thời kỳ 2000-2005 chỉ gần 215 USD/tấn, đến niên vụ 2005-2006 tăng rất mạnh gần 35% thì trong niên vụ 2006-2007 sẽ tiếp tục tăng khá tới 6,8% để đạt khoảng 318 USD/tấn. Đỉnh điểm sẽ trong niên vụ 2007-2008 với khoảng 320 USD/tấn, tức là tăng tổng cộng gần gấp rưỡi so với giá bình quân gần trọn thời kỳ sốt lạnh vừa qua. Và điều kỳ diệu chính là ở chỗ, sau bốn niên vụ liên tục sốt này, giá gạo thế giới tuy có giảm liên tục trong hai niên vụ tiếp theo, nhưng mức giảm không đáng kể.
Nói cách khác, giá gạo thế giới trong suốt 10 năm tới chẳng những không đóng băng, mà còn đứng ở những mức rất cao trong khoảng 95-101 điểm, theo cách tính của WTO.
Sản xuất một nơi, bán hàng một nẻo
Nhìn lại hơn một thập kỷ “sắm vai” quốc gia có cỡ về xuất khẩu gạo của nước ta vừa qua, có lẽ nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến chuyện găm hàng chờ... đại hạ giá mới đẩy mạnh xuất khẩu (?!) là do chúng ta không hay biết về xu thế giá cả của thế giới. Thế nhưng, đó thực sự chỉ là phần nổi của tảng băng. Nguyên nhân sâu xa hơn là ở chỗ, chúng ta đã ra sức sản xuất gạo bất chấp xu thế giá cả thế giới.
Các số liệu về sản xuất cho thấy, trong vòng 6 năm giá gạo thế giới đóng băng vừa qua, sản lượng lúa của nước ta đã tăng gần 10 triệu tấn và đạt kỷ lục trên 36 triệu tấn vào năm 2004, tức tăng bình quân tới 4,2%/năm. Rõ ràng, việc các kho gạo đầy ắp trong khi giá gạo giảm càng tạo sức ép buộc chúng ta phải giảm giá thêm mới có thể bán được. Hiệu quả xuất khẩu thấp chỉ là hệ quả tất yếu (giá chỉ xấp xỉ 77% giá thế giới).
Đất đã kiệt sức?
Trong trường hợp giá gạo thế giới trong suốt 10 năm tới không nguội, mà liên tục dao động ở mức rất cao (tương ứng với khoảng 95-101 điểm theo cách tính của WTO) như dự báo của FAO và OECD đã nói trên, đây sẽ là thời cơ vàng hiếm có cho các nước xuất khẩu gạo, đặc biệt là những nước xuất khẩu với quy mô lớn như nước ta.
Sản lượng lúa của nước ta đã ở mức kịch trần. Chẳng những không thể tăng thêm mà còn giảm trên dưới 300 nghìn tấn, mặc dù nhiều nơi trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã vắt kiệt sức của đất. |
Tuy nhiên, thực tiễn ba năm gần đây nhất cho thấy, dường như chúng ta sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu trong điều kiện thuận lợi có một không hai này. Bởi lẽ, sau khi đã liên tục nỗ lực để gia tăng sản lượng lúa, đạt kỷ lục hơn 36 triệu tấn vào năm 2004, sản lượng lúa của nước ta đã ở mức kịch trần. Chẳng những không thể tăng thêm mà còn giảm trên dưới 300 nghìn tấn, mặc dù nhiều nơi trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã vắt kiệt sức của đất với 3 vụ lúa/năm; thậm chí có nơi còn “bóc lột” đất tới mức không thể tệ hơn với 7 vụ/2 năm!
Hơn thế, do nước ta vẫn còn tăng khoảng 1 triệu miệng ăn mỗi năm trong nhiều năm nữa, việc không thể tiếp tục tăng được sản lượng lúa đương nhiên còn đồng nghĩa với tiêu dùng trong nước tăng, khối lượng gạo xuất khẩu sẽ liên tục giảm và tương lai tươi sáng của thị trường gạo thế giới sẽ ngày càng vuột khỏi tầm tay của nông dân.
Không những vậy, sốt giá gạo thế giới liên tục trong 10 năm tới sẽ còn tiếp tục khiến chúng ta điêu đứng do tình trạng bóc lột đất quá mức, đồng thời nuôi dưỡng nạn rầy nâu như năm qua. Việc phải đưa lúa gạo khắp nơi dồn về vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long minh chứng cho những lời cảnh báo của các nhà khoa học về nguy cơ nhập khẩu gạo không còn xa nữa.
Do vậy, để tận dụng tối đa những cơ hội vàng trong thời kỳ dài 10 năm, có lẽ câu chuyện quy hoạch 1,3 triệu ha lúa chất lượng cao còn “lình xình” nhiều năm nay cần được tiến hành một cách nghiêm chỉnh và rốt ráo hơn.