00:00 Số lượt truy cập: 2638298

Chàng trai dân tộc Tày đoạt giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” lần thứ 9 năm 2022. 

Được đăng : 12/12/2022
Sinh năm 1993, với dáng vóc người nhỏ con, chàng thanh niên trẻ người dân tộc Tày Hoàng Văn Duẩn (thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) ngồi như lọt thỏm trong buồng chiếc đầu máy kéo nhãn hiệu Kobuta điều khiển tiến, lùi, xoay ngang dọc để vươn chiếc tay sắt khéo léo bốc 4 khúc gỗ lớn cùng một lúc dồn thành khối, nâng lên cao, xoay lên xoay xuống mọi vị trí, bốc thả một cách thuần thục.

duan

Anh Hoàng Văn Duẩn giới thiệu “Dàn nâng, gắp, xúc, ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp”với đoàn thẩm định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam


Tốt nghiệp trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình ở Hà Nam, không xin được việc làm, Duẩn bỏ quê vào Tp. Hồ Chí minh làm lễ tân khách sạn. Sau 2 năm được gia đình động viên, anh lại ngược về quê để giúp bố mẹ công việc đồng áng vì gia đình neo người chỉ có 2 anh em, em gái của Duẩn sinh năm 2000.

Muốn cậu con trai không vì chán công việc mà bỏ đi làm ăn xa một lần nữa, cha mẹ Duẩn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng Agribank 250 triệu đồng đầu tư cho cậu con trai một chiếc đầu máy kéo hàng bãi thương hiệu Kobuta. Với đầu máy kéo cha mẹ sắm cho, Duẩn tập lái rồi đi cày thuê, chở gỗ thuê cho bà con dân bản. Trong quá trình chở gỗ thuê, thấy việc bốc sếp gỗ lên xe đòi hỏi nhiều nhân công, trời mưa gió rất là vất vả, nhiều khi không có người làm khiến công việc của mình cũng trở thành phụ thuộc. Trong đầu Duẩn nảy sinh ý tưởng hơi điên rồ.

Một điều lạ là đi làm thuê kiếm được bao nhiêu tiền là Duẩn bỏ hết vào việc mua sắt vụn, máy hàn máy cắt về hì hục vẽ, rồi thuê các xưởng cơ khí lớn gia công lắp đặt, tháo dỡ trên chính chiếc máy kéo của mình. Người nhà cho là gàn dở, nhiều khi nổi cáu cha mẹ còn đuổi anh ra khỏi nhà vì thấy không chịu làm, không chịu lập gia đình cho ông bà có cháu bế, đã vậy còn có công “phá hoại”.

Bỏ qua những lời mắng nhiếc, cản trở của cha mẹ, anh vừa đi làm vừa nghiên cứu, mày mò. Ngày đi làm, đêm về anh mày mò trên các trang mạng, sách báo, rồi vẽ, rồi thiết kế, rồi gia công, rồi hàn, rồi xì.... Từng chi tiết một sau nhiều lần chỉnh sửa, tháo đi lắp lại rồi cũng tạm ưng ý.

Chiếc máy bốc, gắp gỗ của anh sau nhiều lần thử nghiệm, chỉnh sửa cũng đã đạt được tính năng như mong muốn. Với cần nâng hạ cấu tạo từ thép U ghép đôi, được điều khiển bằng hệ thống xi lanh thủy lực với lực nâng 5 tấn, khi lắp hệ thống xúc, ủi thì chỉ việc thay gầu múc hay lưỡi ủi vào. Hệ thống nâng cao được anh Duẩn cải tiến từ chiếc máy nâng hàng cũ hỏng, với cánh tay thép nhiều trục khớp linh hoạt giúp máy có thể nhanh chóng gắp, dồn, nâng nhiều khúc gỗ lớn cùng lúc lên độ cao 4 đến 5m, thuận tiện cho việc đưa gỗ lên thùng xe để vận chuyển.

Qua thực tế hoạt động cho thấy, công suất làm việc của máy có thể thay thế cho khoảng 21 nhân công trong cùng một khoảng thời gian. Duẩn cho biết, hiện với chiếc máy gắp gỗ này anh sử dụng vào việc đi bốc gỗ thuê cho bà con trong vùng, một ngày trừ hết chi phí cũng kiếm được trên 3 triệu/ngày công. Nhiều người dân trong vùng mong muốn được anh chia sẻ bí quyết, hoặc trực tiếp chế tạo cho họ. Một công ty chuyên khai thác lâm nghiệp trong Lâm Đồng ngỏ ý mua lại chiếc máy gắp gỗ của anh nhưng anh chưa bán vì theo anh, còn một số chi tiết nữa anh cần tiếp tục cái tiến để chiếc máy hoàn thiện hơn.

 

Và điều đáng mừng và phấn khởi nhất đối với chàng trai dân tộc Tày là vừa qua, vượt qua 97 giải pháp của các nông dân sáng tạo trên toàn quốc, máy gắp, bốc gỗ của anh chế tạo, cải tiến đã giúp anh đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” lần thứ 9 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động và tổ chức 2 năm 1 lần.

Dương Mai