00:00 Số lượt truy cập: 3226369

Chuyển đổi số trong nông nghiệp – Bài toán cho sự phát triển bền vững 

Được đăng : 15/05/2025

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là yếu tố sống còn để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao.

            Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: (1) giám sát; (2) điều khiển; (3) dự báo; (4) hậu cần.

Những lợi ích chuyển đổi số nông nghiệp mang lại

1. Tối ưu hóa sản xuất và quản lý tài nguyên

- Giảm chi phí sản xuất: Công nghệ số như cảm biến IoT, drone, và phần mềm quản lý giúp nông dân kiểm soát nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chính xác hơn, giảm lãng phí.

 - Tăng năng suất: Phân tích dữ liệu đất, thời tiết và sinh trưởng cây trồng giúp dự báo thời điểm gieo trồng, thu hoạch hiệu quả hơn.

- Sử dụng tài nguyên bền vững: Tránh khai thác quá mức đất đai, nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái.

2. Nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh

 - Truy xuất nguồn gốc điện tử giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo niềm tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

- Công nghệ chế biến và bảo quản thông minh giúp nông sản giữ được chất lượng lâu hơn, tránh hao hụt sau thu hoạch.

- Kết nối thị trường số (thương mại điện tử, sàn giao dịch nông sản) giúp nông dân tiếp cận người mua trực tiếp, giảm phụ thuộc vào thương lái.

3. Giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông, ứng phó thiếu hụt nhân lực

Trong bối cảnh lực lượng lao động trẻ ngày càng ít gắn bó với nông nghiệp, chuyển đổi số giúp tự động hóa nhiều khâu canh tác và thu hoạch; Giảm gánh nặng thủ công, nâng cao hiệu quả làm việc; Thu hút giới trẻ quay lại với nông nghiệp bằng mô hình “nông dân 4.0”.

 6123456

Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp trong tương lai

4. Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và phát thải thấp

          Đến năm 2050, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0. Việc chuyển đổi số sẽ giám sát và kiểm soát khí thải, chất lượng đất và nước; ứng dụng các mô hình nông nghiệp thông minh với carbon thấp.

5. Phù hợp với xu hướng quốc tế

          Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp và nông hộ dễ dàng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu và tham gia các thị trường đòi hỏi cao như EU, Nhật Bản, Mỹ…

Định hướng chính sách phát triển chuyển đổi số nông nghiệp

          Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những chính sách định hướng và sự đầu tư mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên chuyển đổi.

2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số với các mục tiêu: Phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh;  Tạo lập nền tảng chuyển đổi nhận thức cho nông dân, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất – tiêu thụ.

 3. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh. Với các trọng tâm: Phát triển hạ tầng số nông thôn; Ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data trong sản xuất nông nghiệp; Thúc đẩy kinh tế số nông thôn, nông nghiệp.

4. Quyết định số 653/QĐ-BNN-CN ngày 31/1/2022 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành chăn nuôi giai đoạn 2022–2030 với mục tiêu 100% trang trại quy mô lớn ứng dụng số trong giám sát đàn vật nuôi, dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc; Tích hợp dữ liệu vào hệ thống thông tin ngành. Đây là một bước đi cụ thể nhằm chuyển đổi số từng phân ngành trong nông nghiệp.

5. Quyết định số 924/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng và vận hành các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Đẩy mạnh số hóa quy trình cấp phép, chứng nhận VietGAP, vùng trồng, vùng nuôi …; Triển khai “Nhật ký nông hộ điện tử” trên toàn quốc. Đây là bước hiện thực hóa chuyển đổi số ở cấp bộ, tạo nền tảng dữ liệu thống nhất cho toàn ngành. 

6. Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ban hành theo Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Là mô hình thí điểm quan trọng của nông nghiệp số trong lúa gạo – ngành hàng chiến lược quốc gia.

Những khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. 

Thống kê của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trong Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam" năm 2024, khoảng 10% doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã áp dụng Blockchain để quản lý và theo dõi chuỗi cung ứng. Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, khoảng 30% doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ số vào sản xuất, nhưng con số này vẫn còn khá thấp so với mục tiêu 50% vào năm 2025. Báo cáo Chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, ngành nông nghiệp xếp hạng trung bình trong các lĩnh vực về mức độ ứng dụng công nghệ số. Mặc dù nhiều mô hình nông nghiệp thông minh đã được triển khai, nhưng tỷ lệ áp dụng vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã tiên tiến và vùng sản xuất chuyên canh.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu bán hàng nông sản trực tuyến tăng 25% so với năm 2022, đạt mức 3,5 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử là trái cây, thực phẩm chế biến và nông sản có thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch vẫn tập trung vào các sản phẩm có thương hiệu lớn, trong khi nông dân nhỏ lẻ gặp khó khăn trong tiếp cận nền tảng số do thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh trực tuyến…

Nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản. Hầu hết những người nông dân vẫn chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số, nên việc ứng dụng vẫn còn gặp khó khăn trong các thao tác và đánh giá hiệu quả.

Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, cần có những giải pháp tổng thể và đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chính bản thân người nông dân. Những giải pháp này không chỉ giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

1. Nâng cao nhận thức và năng lực số cho người nông dân. Tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng số, sử dụng smartphone, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử…; Xây dựng lực lượng “hướng dẫn viên số nông thôn” (vai trò của các tổ chức đoàn thể) để kèm cặp nông dân tại địa phương; Lồng ghép giáo dục chuyển đổi số vào hệ thống đào tạo ngành nông nghiệp, khuyến nông, đại học, cao đẳng. Đây là nhóm giải pháp giúp nông dân trở thành người chủ động sử dụng công nghệ, chứ không bị “bỏ lại phía sau”.

2. Xây dựng và phát triển hạ tầng số nông nghiệp – nông thôn. Mở rộng phủ sóng Internet, 4G/5G đến vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ thiết bị thông minh giá rẻ và gói cước ưu đãi cho nông dân. Xây dựng các nền tảng số quốc gia: bản đồ số vùng trồng, cơ sở dữ liệu cây trồng vật nuôi, nhật ký điện tử, hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh.

3. Phát triển hệ sinh thái công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp, startup nông nghiệp phát triển các ứng dụng nông nghiệp thông minh như dự báo thời tiết, tư vấn mùa vụ, giám sát môi trường, tưới tiêu tự động…Mở rộng các ứng dụng thương mại điện tử nông sản như Postmart, Voso, Sendo Farm… Phát triển nền tảng dữ liệu mở để các bên cùng khai thác và cung cấp dịch vụ.

 4. Tăng cường liên kết giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – nhà khoa học. Phát triển mô hình hợp tác xã, liên minh nông dân ứng dụng số. Nhà nước hỗ trợ chính sách, doanh nghiệp cung cấp công nghệ, nông dân áp dụng, nhà khoa học tư vấn. Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng.

5. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp. Miễn, giảm thuế hoặc trợ giá thiết bị công nghệ cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nhỏ. Ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi cho dự án nông nghiệp số.

Phương Anh