Nông nghiệp xanh là một hướng tiếp cận và phương pháp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe con người. Điều quan trọng trong nông nghiệp xanh là sự cân nhắc giữa sự phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của nông nghiệp xanh là tạo ra năng suất cao và bền vững. Đồng thời cũng giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng đời sống của người nông dân.
Nông nghiệp xanh không chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn là một sự cần thiết để đáp ứng những thách thức môi trường và kinh tế hiện nay. Dưới đây là những lợi ích to lớn mà nông nghiệp xanh mang lại:
Bảo vệ môi trường và giảm tác động khí hậu
Do tập trung vào sử dụng phân bón hữu cơ và phương pháp canh tác thông minh nên giảm được sự phụ thuộc vào hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu. Điều này giúp giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sự cân bằng sinh thái.
Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và kỹ thuật quản lý tài nguyên nước hiệu quả trong nông nghiệp xanh cũng giúp giảm lượng nước tiêu thụ và bảo vệ nguồn nước ngọt. Đồng thời nông nghiệp xanh con góp phần giảm lượng khí thải nhà kính do giảm sử dụng năng lượng, hạn chế cháy rừng và tăng cường quản lý carbon trong đất.
Bảo vệ sức khỏe con người và đa dạng sinh học
Sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ và giảm sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp xanh giúp giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bảo vệ sức khỏe con người. Qua đó tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của loài cây, động vật và vi sinh vật. Đồng thời bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học trong các khu vực nông nghiệp.
Tăng cường năng suất và thu nhập nông dân
Phân bón hữu cơ chứa các vi sinh vật có lợi, kỹ thuật canh tác thông minh và công nghệ tiên tiến giúp tăng cường năng suất cây trồng. Từ đó có thể cung cấp cơ hội kinh doanh và tiếp cận thị trường cho bà con nông dân, giúp tăng thu nhập và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người trồng trọt, chăn nuôi.
Ngoài ra, nông nghiệp xanh còn khuyến khích các hoạt động tái chế, chế biến và gia công nông sản để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo ra việc làm trong cộng đồng nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế và giảm bớt nghèo đói.
Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững:
Đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững là một trong những lợi ích quan trọng của nông nghiệp xanh. Việc tăng cường năng suất cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo rằng có đủ lượng thực phẩm cung cấp cho dân số đang gia tăng. Bằng cách sử dụng phương pháp canh tác thông minh, kỹ thuật tiên tiến và quản lý tài nguyên hiệu quả, nông nghiệp xanh giúp tăng cường sự ổn định và đáp ứng nhu cầu lương thực của cộng đồng.
1. Những kết quả đạt được trong việc phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam
Mô hình nông nghiệp xanh tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nông dân. Ở nhiều địa phương, nhiều mô hình đang chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp xanh và sinh thái, theo xu hướng thị trường toàn cầu và giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, và hợp tác xã đã nâng cao nhận thức cho nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, và áp dụng tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” hay kỹ thuật tưới nông – lộ – phơi.
Các giải pháp trên đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa-tôm và lúa-cá ở Đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ điển hình, giúp giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Nông nghiệp hữu cơ cũng phát triển mạnh mẽ, với diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 77.000 hecta năm 2016 lên khoảng 240.000 hecta năm 2022, lan tỏa rộng rãi tại ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Theo Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hiện đang được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang hơn 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Xinhgapo, Pháp, Bỉ, Hà Lan,… Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao, đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
2. Chính sách của Việt Nam về phát triển nông nghiệp xanh.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững vào các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Đặc biệt, Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Nghị quyết đặt ra yêu cầu khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính... Các định hướng quan trọng này cũng được khẳng định trong nhiều chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững như Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, cần phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, gắn với nền nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu thụ trong nước và quốc tế; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-01-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020; Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được ban hành ngày 12-9-2022 với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải cácbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa cácbon vào năm 2050.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tháng 11-2021, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan đến ngành nông nghiệp, là tiền đề thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững. Đó là: (i) cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí mêtan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; (ii) tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”. Để đạt được mục tiêu “Netzero” vào năm 2050.
Những chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững của Đảng và Nhà nước đã tạo bước tiến quan trọng trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của nông dân và nhận thức về phát triển bền vững.
3. Những giải pháp đề ra đối với nông nghiệp xanh của Việt Nam
Để hội nhập thành công trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước tiến đột phá, hướng đến xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững. Dưới đây là một số giải pháp:
Một là, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững như chính sách đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp.
Hai là, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp; gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, tạo liên kết bốn nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà nghiên cứu) bền vững. Đồng thời, hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp xanh về cơ chế, chính sách và vốn.
Ba là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của nông nghiệp xanh gắn với tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật canh tác bền vững, quản lý vụ mùa và ứng dụng công nghệ mới cho nông dân góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng “xanh hóa”; khuyến khích nông dân phát triển mô hình hợp tác xã và liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Bốn là, thúc đẩy chính sách tài chính và tín dụng: Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp giúp họ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp xanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Ngân hàng triển khai chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các dự án sản xuất nông sản xanh, giúp nông dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với thời gian trả nợ linh hoạt để họ có thể chủ động hơn trong việc hoàn vốn. Mặt khác, chương trình bảo hiểm nông nghiệp cũng cần được triển khai, giúp nông dân và doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Nông nghiệp xanh đặt sự cân nhắc giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự cân bằng xã hội. Bằng cách sử dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến, nông nghiệp xanh có khả năng duy trì hoạt động nông nghiệp lâu dài mà không gây thiệt hại đáng kể cho tài nguyên tự nhiên, môi trường. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và giữ cho các hệ sinh thái tự nhiên được giữ gìn và phục hồi. Có thể nói, việc xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Phùng Hà