00:00 Số lượt truy cập: 2669780

Kết quả công tác khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội Nông dân, hội viên nông dân (2016 – 2019) 

Được đăng : 28/07/2019

 

 

I. Các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới và sự ảnh hưởng của nó đến sự phát triển ngành nông nghiệp.

 

1. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Bắt đầu vào khoảng năm 1784. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất này là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp này được đánh dấu bởi dấu mốc quan trọng là việc James Watt phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ.

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Nó khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên tình thế phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp thô sơ chủ yêu dùng sức người, sức động vật với những dụng cụ lao động thủ công sang nền sản xuất cơ giới trên cơ sở khoa học.

 

2.Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ khoảng năm 1870 đến khi Thế Chiến I nổ ra (khoảng năm 1914). Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Cuộc CMCN lần thứ 2 đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa.

Cuộc cách mạng này được chuẩn bị bằng quá trình phát triển 100 năm của các lực lượng sản xuất trên cơ sở của nền sản xuất đại cơ khí và bằng sự phát triển của khoa học trên cơ sở kỹ thuật. Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện – cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ trong sản xuất, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần túy, biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt. Cuộc cách này đã có tác động rất lớn đến lĩnh vực nông nghiệp. Đó là: hàng loạt các hợp chất vô cơ được tổng hợp thành các loại vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phục vụ ngành nông nghiệp nhờ những phát minh sáng kiến từ lĩnh vực hóa học. Đặc biệt nó đã tạo ra hàng loạt các công nghệ, dây truyền tự động hóa trong chế biến nông sản, nhờ đó mà ngành nông nghiệp trên thế giới đã phát triển nanh và mạnh như vũ bão; sự phát triển về vận tải mở ra con đường kết nối thương mại nông sản hàng hóa giữa các nước. Chính vì vậy các sản phẩm nông nghiệp của các nước có mặt khắp các thị trường lớn; qua đó nó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

 

3. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990).

Cuộc cách mạng này đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu của nền sản xuất xã hội cũng như những mối tương quan giữa các khu vực I (nông – lâm – thủy sản), II (công nghiệp và xây dựng) và III (dịch vụ) của nền sản xuất xã hội. Làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất, cuộc Cách mạng KH&CN hiện đại đã tác động tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội loài người. Trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ này phát triển công nghệ sinh học từ những năm 1970. Nói một cách khái quát ngắn gọn, thì đó là sinh học có sử dụng công nghệ. Nhờ sự phát triển về khoa học trong công nghiệp đã hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu trong nông nghiệp. Khi người ta khám phá ra cách cắt ghép DNA (gen nói chung) bằng các enzyme trong ống nghiệm để tạo ra các sản phẩm mới là các công nghệ sinh học phân tử sinh học tế bào, protein tái tổ hợp được coi là công nghệ sinh học. Khái niệm này ngày càng được mở rộng bởi sự phát triển của các kỹ thuật mới sử dụng trong phát triển sinh học; nhất là ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển vì đây chính là nơi phát sinh của cuộc cách mạng này. Từ đó tạo ra nhiều giống vật nuôi, cây trồng có năng suất cao đáp ứng 1 phần nhu cầu về số lượng cho nhân loại.

 

4. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư). Công nghiệp thứ Tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối. Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, và công nghệ nano có tác động rất lớn đến ngành nông nghiệp thế giới.

 

II. Cách mạng cộng nghiệp trên thế giới có ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn Việt Nam

          Các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới đã có tác động rất tích cực đối sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên thế giới như chúng ta vừa đề cập đó là Sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 kết thúc thế giới đã khẳng định:Cuộc cách mạng này được chuẩn bị bằng quá trình phát triển 100 năm của các lực lượng sản xuất trên cơ sở của nền sản xuất đại cơ khí và bằng sự phát triển của khoa học trên cơ sở kỹ thuật.Trong những năm đó Việt Nam chưa hội nhập do vậy không được hưởng thụ nhiều từ các thành tựu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp trên thế giới”. Từ những thập niên 1990 trở lại đây, khi việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng với các nước trên thế giới thì Cuộc cách mạng thứ 3 và thứ 4 đang có tác động cực mạnh mẽ đến các lĩnh vực nông lâm thủy sản đó là: Hình thành công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, những dây chuyền nuôi trồng, chế biến, khép kín hoàn thiện sản phẩm đến bàn ăn với chất lượng rất cao. Đặc biệt tạo ra năng suất cây trồng vượt trội và đảm bảo an toàn trong sản xuất; các sản phẩm trong xây dựng nông thôn, trong sinh hoạt tiêu dùng cũng như nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận nhanh chóng, góp phân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo điều kiện thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển ở khu vực nông thôn.

 

III. Kết quả công tác khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội Nông dân, hội viên nông dân giai đoạn 2016 – 2019

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước bằng các trủ chương, chính sách đúng đắn trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của cả nước; đặc biệt là sự phối hợp chương trình hành động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ, các hoạt động khoa học và công nghệ trong toàn hệ thông Hội Nông dân Việt Nam ngày càng được phát triển mạnh mẽ từ việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân đến việc thúc đẩy các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, và dịch vụ cho nông dân tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất.

1.     Kết quả tuyên truyền Công tác khoa học đến với nông dân.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội đến việc xây dựng kế hoạch công tác hàng năm và giai đoạn 2016 – 2020 đối với công tác tuyên truyền về vai trò của khoa học và công nghệ cũng như các thành tựu của khoa học và công nghệ có tác động sâu sắc và tích cực đến với hội viên nông dân.

Ở Trung ương Hội.

Xây dựng cơ chế phối hợp và cộng tác viên với các nhà khoa học, các tác giả nghiên cứu, các viện, trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học…. để cung cấp các thông tin khoa học cho hội viên nông dân cả nước.

Bản tin “Khoa học với nhà nông” và trang thông tin Website “khoahocchconhanong.com.vn” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong 4 năm qua, mỗi năm đã cung cấp gần 2.400 tin, bài, câu hỏi trả lời bạn đọc, quy trình về KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đến nay có trên 417.320  lượt người truy cập vào website này. Bản tin “Khoa học với nhà nông”  đã phát hành 6 số với 36.000 cuốn đến cấp tỉnh, huyện và một số xã. Báo nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, cổng thông tin điển tử “nongdan.vn” đều có các chuyên mục khoa học công nghệ, nhà nông làm giàu, địa chỉ vàng cho nông dân.

Ở địa phương.

Đến nay có 63/63 Hội Nông dân tỉnh, thành phố đã có Website kết nối và chia sẻ thông tin với các kênh thông tin về khoa học và công nghệ trong và ngoài ngành phục vụ cho công tác tuyên truyền kịp thời đến đông đảo bạn đọc cả nước; các tỉnh, thành Hội xây dựng bản tin công tác Hội và đã dành riêng Chuyên mục khoa học và công nghệ để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các mô hình ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò và ảnh hưởng tích cực của KHCN trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hội Nông dân, hội viên nông dân.

Cùng với việc tuyên truyên thông qua các kênh thông tin, các phương tiện thông tin Hội Nông dân Việt nam đã tổ chức xuất bản và phát hành trên 50.000 đĩa DVD có nội dung tuyên truyền về kỹ thuật trồng trọi, chăn nuôi có hiệu quả cao quy mô nông hộ, các gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất; các gương nông dân nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chỉ tính riêng năm 2018, Hội Nông dân các tỉnh thành phố đã tổ chức được 27.873 cuộc tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hội nghị, Hội thảo đầu bờ, các mô hình trình diễn

Tổ chức bình chọn và vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ nhất năm 2018 có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đài Truyền hình VTC16 tổ chức truyền hình trực tiếp … nhằm vinh danh các nhà khoa học, các hội viên nông dân trong cả nước đã có những phát minh, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học trong nông nghiệp phục vụ công tác Hội và phong trào nông dân.

 

2. Về tổ chức Cuộc thi Sáng tạo nhà nông lần thứ VII

Cuộc thi sáng tạo nhà nông lần thứ VII (2016-2018),  được phát động từ tháng 12 năm 2015, Cuộc thi được triển khai từ cấp Trung ương đến 63 tỉnh, thành, huyện thị, cơ sở Hội và đến từng hội viên, nông dân. Mục đích cuộc thi nhằm khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân cả nước, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng và sản xuất nông nghiệp, nông thôn phục vụ thiết thực cho đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Đến cuối năm 2018 đã có hàng trăm giải pháp sáng tạo kỹ thuật, công nghệ của nông dân gửi về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các giải pháp của nông dân rất phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và có tính ứng dụng cao. Hầu hết các giải pháp, sản phẩm dự thi đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân nhằm ứng dụng hiệu quả các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Đến nay ở cấp trung ương Hội đã thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi, Ban giám khảo để chấm thi và chọn ra các tác giả, đồng tác giả và tổ chức khen thưởng, trong đó có 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 06 giải khuyến khích và tổ chức trao giải tại tỉnh Quảng Nam.

 

3. Công tác tập huấn xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trong năm 2016, tổ chức được 24.914 lớp, có 1.927.446 người tham gia; Việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân được triển khai mạnh mẽ, trong năm 2016 đã xây dựng được 3.356 mô hình với tổng số tiền 8 tỷ 309 triệu đồng; tổ chức xây dựng được 316 dự án với tổng kinh phí 14 tỷ 985 triệu đồng.

Năm 2017 đã xây dựng được 7.582 mô hình với số tiền 10.896 ngàn tỷ đồng. Các dự án khoa học công nghệ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; ngoài ra còn có các dự án nuôi trồng nấm rơm, dự án trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, dự án hầm biogas và các dự án vườn, ao, chuồng kết hợp với tổng kinh phí trên 7.457 tỷ đồng.

Năm 2018 đã xây dựng được 15. 065 mô hình và dự án KHCN với số tiền 17.786 tỷ đồng. Các dự án khoa học công nghệ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các loại giống lúa có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; ngoài ra còn có các dự án nuôi trồng nấm rơm, dự án trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, dự án hầm biogas và các dự án vườn, ao, chuồng kết hợp với tổng kinh phí trên 7.457 tỷ đồng

 

4. Các dự án Nông thôn miền núi.

Trong 4 năm qua các dự án do Trung ương quản lý tập trung vào các dự án ứng dụng các tiến bộ KHCN trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản chất lượng cao đó là dự án nuôi cá chiên trong lồng bè đảm bảo an toàn sinh học tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm chất lượng cao, theo hướng VIETGAP tại 5 tỉnh phía Bắc”; đó là: tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái và thành phố Hải Phòng; trong đó xây dựng mô hình tại thành phố Hải Phòng sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VIETGAP. Đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố đến thăm quan học tập kinh nghiệm.

Chương trình Nông thôn miền núi ở địa phương, các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở KH&CN tỉnh triển khai các dự án do tỉnh quản lý và đã tổ chức triển khai và thực hiện các dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân; trong đó nhiều tỉnh dự án được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ của Trung ương. Thông qua các dự án này có nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa

.

IV. Đánh giá chung.

Qua 4 năm triển khai công tác khoa học và công nghệ, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác Hội và phong trào nông dân, tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và khả năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ làm công tác Hội.

Việc thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Khoa học và Công nghệ đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho hội viên, các gia đình nông dân được tham gia trực tiếp các dự án ở cả 63 tỉnh, thành phố. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng, chuyển giao đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho nông dân đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất trong vùng; các lớp tập huấn về khoa học công nghệ nói chung đã có sức lan tỏa và làm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới; từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng, đầu tư công nghệ mới nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; nông dân đã biết liên kết chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân làm khoa học công nghệ, nâng cao được trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần vào việc phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống cho nông dân. Qua đó đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh công tác Hội và phát triển phong trào nông dân. 

 

Lê Văn Khôi



1. Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức 2.300 cuộc với 150.000 lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa  tổ chức 1.323 cuộc với 89.610 lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Bc Liêu tổ chức 3.339 cuộc với 80.866lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  tổ chức 3.791 cuộc với 165.008 lượt người tham gia; Hội Nông dân Thành phố Cần Thơ tổ chức 2.009 cuộc với 47.205 lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng  tổ chức 2.303 cuộc với 149.000 lượt người tham gia...