Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của phát triển, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đã đặt mục tiêu vào top 5 cả nước về chuyển đổi số toàn diện.
Quảng Ninh đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế số. Ảnh ST
Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn.
Đồng thời qua các trang điện tử, cung cấp thông tin trên 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của các địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 5 sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho các cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.Theo thống kê mới nhất, Quảng Ninh đã có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, với 5 sản phẩm 5 sao, 107 sản phẩm 4 sao và 320 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia của 186 chủ thể, từ doanh nghiệp, HTX đến tổ hợp tác và hộ gia đình. Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu "chinh phục" danh hiệu 5 sao quốc gia cho từ 8 đến 10 sản phẩm OCOP.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bước vào giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số. Trong năm 2025, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh 45 nhiệm vụ trọng tâm và 14 dự án, với tổng mức đầu tư là 125,839 tỷ đồng (ngân sách tỉnh khoảng 63,175 tỷ đồng). Trong đó,
Quảng Ninh tập trung xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu mới theo hướng điện toán đám mây, đảm bảo lưu trữ, xử lý tất cả dữ liệu của tỉnh một cách an toàn, tin cậy. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số chung, tập trung tích hợp dữ liệu dùng chung vào các ngành, đẩy mạnh chia sẻ thông tin. Xây dựng kho dữ liệu số chung của tỉnh; mở rộng liên thông dữ liệu y tế, giáo dục, bảo hiểm… vào hệ thống dùng chung; đồng thời đưa lên cổng mở (open data) một số bộ dữ liệu công để người dân, doanh nghiệp tra cứu và sử dụng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện và kết nối hệ thống thông tin. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khai thác hiệu quả tối đa các nguồn dữ liệu hiện có, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước dựa trên dữ liệu số, thúc đẩy chuyển đổi trong các ngành, lĩnh vực và từng bước thay đổi phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông minh, tự động, dựa trên dữ liệu được số hoá.
Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ mở rộng hỗ trợ cho các ngành kinh tế chủ lực ứng dụng công nghệ cao, như thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, du lịch số (xây dựng thêm cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng VR, AR) và duy trì công nghiệp chế biến thế mạnh.
Về phía người dân - đối tượng trung tâm của chuyển đổi số, Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để bảo đảm người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận dịch vụ công thuận tiện, nhanh chóng, không cần đến cơ quan nhà nước. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để đăng nhập, thực hiện thủ tục hành chính, tra cứu kết quả ngay trên nền tảng số của tỉnh, từng bước giúp người dân làm việc với chính quyền mà không cần đến trụ sở. Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm để trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu
chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế- xã hội./.
Phùng Hà