00:00 Số lượt truy cập: 2669812

CÔNG CỤ BÓN PHÂN VIÊN DÚI ĐỒNG THỜI VỚI GIEO SẠ LÚA 

Được đăng : 28/11/2019

 

Công cụ bón phân viên dúi đồng thời với sạ lúa của tác giả Nguyễn Đức Thành ở xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có cấu tạo này gần giống máy sạ lúa song một số bộ phận được thay đổi và chế tạo thêm cho phù hợp với việc "gieo” phân. Ví dụ: Bầu đựng thóc được thay bằng bầu chứa phân viên có các lỗ gieo thiết kế phù hợp để viên phân lọt qua một cách dễ dàng, tạo mật độ đồng đều trên một đơn vị diện tích (24-26 viên/1m2) hay 10-12 kg/sào Bắc bộ.  Hiện chưa có công cụ nào tương tự, giúp cho việc bón phân chỉ mất 15 phút/sào Bắc bộ sau khi ruộng đã được cày bừa. Lúa sẽ được cấy hoặc ném khay trên diện tích đã bón phân đó. Ngoài bón phân viên dúi, có thể dùng máy để bón phân đạm, lân, kali, phân đầu trâu cho lúa và cây trồng bằng cách gieo vùi xuống đất, giảm thất thoát.

1. Tính mới của giải pháp

Công cụ có buồng đựng phân và đựng thóc mầm cùng trên một buồng và được chia thành 3 khoang riêng biệt, khoang giữa đựng phân viên dúi, hai khoang bên cạnh đựng mầm thóc, mỗi khoang có nắp đậy riêng biệt vì vậy nó rất gọn nhẹ, dễ dàng thao tác trên đồng ruộng. Cấu tạo của máy đơn giản nhưng hiệu quả, ở mỗi ngăn gieo thóc có hai hàng lỗ, một hàng lỗ to và một hàng lỗ nhỏ tùy theo độ dài của mầm thóc.

Các lỗ gieo phân có sự tính toán sao cho phân sẽ được bón sâu trong đất từ 5-7cm và lượng phân bón từ 10-12 kg phân viên trên một sào Bắc bộ, lỗ gieo phân cũng có hai hàng lỗ bằng nhau, có thể gieo hai hàng cùng một lúc hoăc bịt một hang gieo một hàng tùy thuộc vào ruộng tốt hay xấu. Thanh gạt lấp vết chân có bắt các tấm sắt để vạch trên bùn thành các rãnh sâu từ 5-7cm để phân rơi xuống rãnh, các tấm sắt này có thể điều chỉnh được khoảng cách và độ nông, sâu tùy theo ý muốn. Bộ phận lấp bùn có bản lề quay cả cụm, phía đầu gắn những thanh gạt lấp bùn xuống rãnh không ảnh hưởng đến mầm gieo.

2. Tính hiệu quả

Khi thao tác công cụ này trên ruộng ta thấy phân rơi xuống rãnh và được lấp lại, mầm thóc thì rơi trên mặt ruộng như gieo sạ bình thường rất thuận tiện cho người sử dụng. Do trọng lượng nhẹ khoảng 14 kg nên rất dễ dàng, thuận tiện phù hơp với các đồng, ruộng có thửa nhỏ, bậc thang máy móc lớn khó làm nhất là vùng trung du miền núi phía bắc và lao động nam hoặc nữ đều có thể sử dụng công cụ này.

Khi sử dụng công cụ này: Chi phí phân dúi giảm hơn phân bón thông thường 50.000 đồng/sào (Bắc Bộ), giảm công bón phân, làm cỏ là 270.000 đồng/sào, năng suất tăng 15-20% tương đương với khoang 250.000 đồng/sào. Giảm sâu bệnh, giảm phun thuốc sâu, giảm ô nhiễm môi trường do phân không bị rửa trôi hay bay hơi. Góp phần thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng.

Công cụ này của anh có tính ứng dụng cao giúp bà con nông dân giải phóng được sức lao động, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất cây trồng.

3. Khả năng áp dụng    

Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 30 tỉnh thành áp dụng bón phân viên dúi rất tốt nhưng vẫn còn làm thủ công nên hiệu quả chưa cao. Nếu có công cụ bón phân viên dúi sẽ giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, đạt hiệu quả cao. Đã có nhiều trung tâm khuyến nông, nông dân mua và đặt hàng của anh. Từ khi công cụ này được làm ra, anh đã bán đươc hơn 4.000 chiếc, giá thành mỗi chiếc chỉ hơn một triệu đồng rất phù hợp với bà con nông dân.

Đặng Thủy