03/11/2016
Những mô hình kinh tế hiệu quả ở vùng trũng Nghiêm Xuyên

Xã Nghiêm Xuyên có 5.600 người, phân bố tại 3 thôn: Nghiêm Xá, Liễu Viên và Cống Xuyên. Tuy có diện tích đất canh tác bình quân 1,8 sào/người nhưng trước đây tình hình sản xuất nông nghiệp của xã gặp rất nhiều khó khăn bởi đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Xác định để phát triển nông nghiệp hàng hóa thì phải có diện tích liền vùng, liền thửa quy mô lớn nên từ năm 2003, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghiêm Xuyên đã vận động nhân dân tích cực thực hiện DĐĐT. Đến nay, toàn xã đã dồn được trên 260ha (chiếm 70% tổng diện tích đất canh tác), mỗi hộ từ 6-7 thửa tại nhiều xứ đồng khác nhau nay giảm xuống còn từ 1-2 thửa. Sau khi hoàn thành DĐĐT, kế hoạch sử dụng đất đã được xã xây dựng quy củ, khoa học nhằm phát huy hết tiềm năng đất đai cũng như sức lao động, sáng tạo của bà con nông dân. Diện tích đất trũng rộng 93,1ha, cấy lúa năng suất thấp, bấp bênh được quy hoạch thành vùng chuyển đổi.
 
Từ năm 2006 đến nay, xã đã chuyển được 50ha với trên 30 mô hình trang trại, vườn trại. Các hộ dân đứng ra nhận thầu đất đã mạnh dạn đầu tư từ 300-500 triệu đồng đào hồ đầm thả cá, xây dựng lán trại chăn nuôi. Bên cạnh sự nỗ lực của nông hộ, các cấp từ tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng kéo đường điện ra khu chuyển đổi và làm đường giao thông đảm bảo thuận tiện trong lưu chuyển nông sản, hàng hóa. Đối với phát triển kinh tế trang trại, vườn trại, việc áp dụng khoa học kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng nên ngoài chủ động tìm kiếm thông tin qua sách, báo, những buổi tập huấn kỹ thuật do xã tổ chức được các hộ tham gia đông và tích cực.
 
Từ sự nỗ lực của chính quyền và bà con nông dân, sau gần 2 năm chuyển đổi các mô hình đang phát triển khá, bước đầu cho thu nhập trung bình gần 50 triệu đồng/ha, gấp 2-3 lần so với cấy lúa trước đây. Trên đồng đất trũng Nghiêm Xuyên những nông dân như anh Trịnh Văn Tam, Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Văn Tân... đã trở thành những điển hình tiêu biểu cho khát vọng vươn lên làm giàu, biến vùng đất nghèo khó của quê hương thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa. Hộ anh Trịnh Văn Tam chuyển đổi sang xây dựng trang trại rộng 4ha, đã quy hoạch 3 hồ đầm thả cá, cấy lúa, nuôi 60-70 lợn thịt/lứa, đồng thời kết hợp với trồng 400 gốc cam Canh, bưởi Diễn và hàng trăm cây chuối, xoài, đu đủ... Mỗi năm trang trại của anh Tam cung cấp ra thị trường trên 10 tấn cá và gần 200 con lợn thịt cho thu trên 200 triệu đồng/năm.
 
Hiện nay, các trang trại ở Nghiêm Xuyên mới có nguồn thu từ cá, chăn nuôi lợn, gà, vịt... nhưng trong khoảng từ 2-3 năm tới khi hàng nghìn cây trái đủ các loại từ cam Canh, bưởi Diễn, xoài... cho thu hoạch thì giá trị thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Điều quan trọng là, từ hiệu quả thực tế đó, bà con nông dân trong xã tham gia nhiệt tình hơn trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần mở hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại quy mô lớn, tạo thành vùng nông sản hàng hóa chất lượng cao trên đồng đất Nghiêm Xuyên.
 
Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xã Nghiêm Xuyên vẫn duy trì nhiều ngành nghề TTCN truyền thống (như dệt, thợ nề...) và nhân cấy thêm nghề mới nhằm đa dạng hóa ngành nghề. Hiện nay xã có khoảng trên 20 ông chủ lớn chuyên đứng ra thu mua sản phẩm dệt hay trực tiếp mở xưởng sản xuất tạo việc làm ổn định cho một lực lượng lớn lao động trong xã. Đồng thời nắm bắt được nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm tranh thêu tinh xảo, xã đã mở nhiều lớp đào tạo nghề thêu thu hút hàng trăm học viên tham gia, qua đó vừa phát huy được óc sáng tạo với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người dân vừa nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.
 
Nghiêm Xuyên hôm nay diện mạo nông thôn đang đổi thay từng ngày: Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa kiên cố, những ngôi nhà cao tầng đang mọc lên san sát, nhiều cửa hàng dịch xvụ thương mại mở ra sầm uất, nhộn nhịp... Đó chính là thành quả từ sự năng động, nhạy bén phát triển kinh tế của lãnh đạo và nhân dân xã Nghiêm Xuyên.

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 744