28/07/2021
Kỹ thuật nuôi và phối giống tạo tổ hợp lai bố ngan, mẹ vịt

 Con lai ngan vịt (hay vịt Mulard) hay còn gọi là cà sáy là con lai được tạo ra từ phương pháp lai xa (lai khác loài) giữa ngan (ngan nhà) và vịt (vịt nhà) tạo ra loài hỗn chủng. Con lai ngan vịt sinh ra thường bất dục, không có khả năng sinh sản, chỉ được sử dụng để nuôi thương phẩm (nuôi lấy thịt hoặc nhồi vỗ béo lấy gan).

Từ trước đến nay, hầu hết bà con chăn nuôi đều quen với mô hình nuôi ngan, nuôi vịt. Vì vậy, khái niệm con lai ngan-vịt đang còn khá mới mẻ đối với bà con. Thế nhưng trên thế giới, loài con lai này đã được đưa vào nuôi thương phẩm từ lâu và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Vậy chúng có nhiều đặc điểm vượt trội.

 

 

ngan

 

1.     Ưu điểm của con lai ngan-vịt

Mặc dù không có khả năng sinh sản, song nhờ thừa hưởng điểm mạnh của ưu thế lai nên con lai ngan-vịt có những ưu điểm vượt trội như sau:

- Chất lượng thịt thơm ngon. Thịt con lai có màu đỏ, tỷ lệ nạc rất cao. Ít mỡ hơn thịt vịt lại không khô như thịt ngan. Sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhất là hình thức nuôi nhồi lấy gan béo.

- Tỷ lệ nuôi sống cao, đạt 97 - 100%. Tốc độ sinh trưởng nhanh hơn vịt và ngan trong khi tiêu tốn thức ăn lại ít hơn. Vì vậy, thời gian nuôi được rút ngắn và giảm bớt được chi phí thức ăn.

- Mặc dù khối lượng trung bình của con lai không bằng ngan nhưng lại cao hơn vịt. Cùng thời gian nuôi, con lai ngan-vịt nặng gần gấp đôi vịt bình thường. Bên cạnh đó, chúng không có sự chênh lệch nhiều về khối lượng giữa trống và mái (ở ngan thuần chủng, khối lượng ngan cái bằng 60% ngan đực trong cùng điều kiện và thời gian nuôi).

- Đặc biệt, con lai ngan-vịt có sức chống chịu bệnh cao mà ít loài thủy cầm nào sánh kịp. Chúng có khả năng kháng virus Hepatitis (gây viêm gan)và virus Parvovirus (vius gây giảm hệ miễn dịch).

Sau khi được đưa vào nuôi thương phẩm tại nhiều địa phương ở miền Bắc, giống thủy cầm này đã được các hộ chăn nuôi đánh giá cao. Không chỉ Việt Nam, hiện các nước châu Âu và một số nước châu Á cũng đang phát triển rất mạnh con lai ngan-vịt. Bởi chúng có khả năng đáp ứng xu thế của thị trường về ngoại hình và màu sắc sản phẩm cũng như khổ thịt.

1.     Lai tạo

Trong thực tiễn, con người đã nuôi con lai ngan vịt từ rất lâu. Con giống (ngan lai vịt) được tạo ra chủ yếu bằng phương pháp giao phối tự nhiên khi nuôi chung ngan đực với vịt cái. Giao phối tự nhiên khác loài do ngan giao phối trên cạn, vịt giao phối dưới nước nên có hạn chế là tỷ lệ thụ thai (tỷ lệ trứng có phôi) thấp, đạt 40 – 50%.

Hiện nay, con lai chủ yếu được tạo ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã thành công trong việc lai ngan đực R71 với vịt cái CV-Super-M bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo sản xuất con lai thương phẩm nuôi lấy thịt, kết quả: tỷ lệ trứng có phôi đạt 82%; tỷ lệ nở đạt 82 – 85 % so với trứng có phôi; giảm 4 lần chi phí nuôi con đực so với giao phối tự nhiên (Giao phối tự nhiên tỷ lệ đực cái là 1/5; tương ứng với thụ tinh nhân tạo là: 1/20).

* Bà con lưu ý

- Thời gian ấp nở của trứng vịt được thụ tinh tinh trùng ngan đực là 32 ngày, trong khi đó thời gian ấp nở của ngan là 35 ngày, của vịt là 28 ngày.

- Để tiến hành nhồi cưỡng bức lấy gan béo, bà con cần chọn những con đực từ 90 ngày tuổi, có khối lượng từ 4 kg trở lên, ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh.

- Điều kiện nhiệt độ thích hợp để nhồi cưỡng bức con lai là 18- 22 độ C. Thời gian vỗ béo là 15 ngày, sau đó giết mổ thu gan. Khối lượng gan đạt 501 – 671g trong mùa thu và 330- 357g ở mùa hè. 

                                                                                           Ths Phạm Văn Đức

In tin    Phản hồi    Lượt truy cập: 276